Năm 2018: Đã xử lý 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu

(BĐT) -Tại cuộc họp báo ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89% giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.
Năm 2019, NHNN tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Ảnh: Lê Hường
Năm 2019, NHNN tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Ảnh: Lê Hường

Cũng theo NHNN, trong công tác tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã đi vào cuộc sống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.

Theo NHNN, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 thể hiện sự thống nhất về quan điểm, sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu, lành mạnh hoá hệ thống, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Qua hơn 1 năm triển khai Quyết định 1058, năng lực tài chính của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế, cơ cấu tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát ở tất cả các cấp từng bước được kiện toàn, ngăn ngừa xung đột lợi ích; tình trạng sở hữu chéo được giảm thiểu. Tính minh bạch trong hoạt động tín dụng cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Công tác thanh tra, giám sát được tăng cường đã góp phần ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu nghiêm túc, có hiệu quả.

Về định hướng điều hành năm 2019, NHNN cho biết cơ quan này xác định tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD. Việc xử lý nợ xấu phải gắn với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững...

Chuyên đề