Năm 2016, tiền sẽ hút về kênh IPO?

(BĐT) - Thị trường chứng khoán đang trải qua những phiên cuối cùng khép lại 1 năm giao dịch khá trầm lắng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Thanh khoản sụt giảm, dòng tiền nước ngoài rút khá mạnh trong bối cảnh hàng hóa trên thị trường sơ cấp đa dạng thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư.

Trên thực tế thị trường thứ cấp (cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch trên UPCoM) và thị trường sơ cấp (đấu giá lần đầu ra công chúng – IPO) có sự bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, dòng tiền bị hạn chế nên nhà đầu tư sẽ ưu tiên lựa chọn kênh đầu tư nào hiệu quả từ đó tạo nên sự cạnh tranh thu hút dòng tiền giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Chỉ có 40% cuộc đấu giá thành công

Theo số liệu vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 11/2015, trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM đã tổ chức đấu giá cho 112 doanh nghiệp (DN) với giá trị đạt 6.830 tỷ đồng, tăng gấp đôi về số lượng DN so với cùng kỳ năm 2014. Mặc dù tăng về số lượng nhưng xét về chất, trong năm qua công tác cổ phần hóa (CPH) không thành công so với năm 2014.

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ lệ đấu giá thành công của năm 2015 chỉ đạt 40% trong khi năm trước đạt 65%. Cái được lớn nhất trong năm qua chính là sự quan tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ chính sách giải pháp về cổ phần hóa như hướng dẫn đấu giá trọn lô.

Trước sức ép cổ phần hóa hơn 200 doanh nghiệp trong năm 2016, một lượng tiền lớn được dự báo sẽ chảy vào kênh IPO.

Năm qua, thị trường chứng kiến nhiều cuộc đấu giá ế ẩm, không ít DN tổ chức đấu giá lại vẫn không thành công. Trường hợp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là một điển hình khi chỉ có có 112 nhà đầu tư cá nhân tham gia phiên đấu giá (không có nhà đầu tư tổ chức) với tổng khối lượng đăng ký mua 1,09 triệu cổ phần (CP), tương đương với chỉ 3% lượng CP đưa ra đấu giá (35,55 triệu CP).

Theo một báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 167 DN, gấp 1,65 lần năm 2013 (trong đó, CPH được 143 DN, gấp gần 2 lần năm 2013). Tính đến ngày 20/10/2015, cả nước đã CPH được thêm 116 DN, dự kiến cuối năm CPH trên 120 DN, thấp hơn rất nhiều so với kết quả những năm trước. Như vậy, mục tiêu hoàn thành sắp xếp, đổi mới mà trọng tâm là CPH 432 DN trong hai năm 2014 và 2015 đã không hoàn thành. 

Bán ra quá ít

Ngoài nguyên nhân thị trường chứng khoán niêm yết chưa hồi phục, nhiều cuộc đấu giá không thành công do chưa thu hút được khối nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần IPO. Tại Hội nghị tổng kết đổi mới DN ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đánh giá, việc nhiều đơn vị chỉ bán nhỏ giọt số ít CP không thể khiến các nhà đầu tư mặn mà. CPH DN mà vốn Nhà nước vẫn chiếm tới 94 - 95% thì không có nhiều ý nghĩa.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Phó Trưởng ban thường trực Ban Đổi mới doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, việc nắm giữ dưới 51% CP tại các DNNN không thể khiến nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, bởi tỷ lệ ấy không giúp nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát.

Trao đổi với truyền thông, ông Trần Đắc Sinh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nói rằng: “Các đợt IPO gần đây chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, lý do là chúng ta mới chỉ bán phần vốn nhà nước rất nhỏ. Do đó, vấn đề thay đổi về quản trị doanh nghiệp, sở hữu công ty cũng chưa rõ nét. Tôi cho rằng, việc quan trọng trước mắt là thay đổi mô hình quản trị công ty, đó là điều hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài”.

Năm qua chứng kiến nhiều cuộc IPO không có nhà đầu tư ngoại tham gia do tỷ lệ bán ra quá ít ỏi. Chỉ những DN thực sự tốt, kinh doanh độc quyền, có  dư địa tăng trưởng mạnh mới thu hút được khối này. Đơn cử trường hợp IPO Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Mặc dù ACV chỉ bán ra ngoài 3,47% vốn điều lệ nhưng có rất nhiều nhà đầu tư ngoại tham gia.

Tại phiên đấu giá, nhà đầu tư nước ngoài đã trúng thầu số lượng hơn 63,7 triệu cổ phiếu ACV, chiếm gần 82% trong tổng số hơn 77,8 triệu CP được đấu giá. Giới phân tích cho rằng, với sự tham gia tích cực của khối ngoại và nhiều nhà đầu tư trong nước chưa mua được CP, ACV nên tranh thủ bán tiếp CP với số lượng lớn, tỷ lệ cao hơn do DN này đang có nhu cầu vốn rất lớn để thực hiện các dự án như sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Trước sức ép CPH hơn 200 DN trong năm 2016, một lượng tiền lớn được dự báo sẽ chảy vào kênh IPO. Nhà đầu tư sẽ có cơ hội lựa chọn CP tốt giá hợp lý trên thị trường sơ cấp và nắm giữ dài hạn. Tuy nhiên nếu lượng CP bán ra lần đầu vẫn bị hạn chế, để thay đổi thực sự trong quản trị DN phải đợi đến khi các DN bán CP theo lô lớn (ít nhất 5%/lô) như cách một số DN đang bán như: Khách sạn Kim Liên, Vinamotor, Cienco 5, Cienco 6…        

Chuyên đề