Mỗi thùng dầu giảm 1 USD, ngân sách “hụt” gần 2.000 tỷ đồng

"Tùy vào sản lượng, nhưng tính chung mỗi thùng dầu giảm 1 USD ngân sách trung ương “hụt” từ 1.500 đến 2.000 tỷ đồng” – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Giá dầu thô giảm sâu là thách thức với ngành thuế trong thu - chi NSNN
Giá dầu thô giảm sâu là thách thức với ngành thuế trong thu - chi NSNN

Nỗi lo giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, ảnh hưởng tới thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại hội nghị tổng kết năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, năm 2016 kinh tế thế giới được nhận định tuy phục hồi nhưng vẫn còn chậm và khó khăn. Giá dầu thô tiếp tục giảm sâu, dự báo sẽ tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế, cân đối và thu chi NSNN năm 2016.

Theo dự toán giá dầu trình Quốc hội phê duyệt thì giá dầu thô ở mức 60 USD/thùng, nhưng thực tế 2 tháng đầu năm 2016 giá mỗi thùng dầu chỉ dao động 33-34 USD/thùng, chỉ bằng già nữa so với dự toán. Thực tế này một lần nữa đang đe dọa tới kế hoạch thu chi NSNN của ngành thuế.

Trước tình hình giá dầu đang tiếp tục có xu hướng giảm sâu trong năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, cơ quan điều hành sẽ chủ động, xây dựng “kịch bản” đối phó trong trường hợp giá dầu giảm quá sâu, giữ vững cân đối NSNN năm 2016. Thậm chí, phương án dưới 30 USD/thùng cũng được Bộ Tài chính tính đến để chủ động ứng phó với việc giảm thu NSNN do giá dầu thô giảm, giữ vững cân đối NSNN năm 2016.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cảnh báo, “tùy sản lượng khai thác nhưng bình quân mỗi thùng dầu giảm 1 USD, ngân sách trung ương sẽ hụt thu từ 1.500 – 2.000 tỷ đồng”.

Ông cũng thông tin thêm, dù tỷ trọng thu trực tiếp và gián tiếp liên quan đến dầu thô không lớn (khoảng 10% tổng thu ngân sách Nhà nước, nhưng nếu giá dầu tiếp tục giảm thì dự báo sẽ chuyển dịch khoảng 50.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương xuống ngân sách địa phương. Mặt khác, số giảm thu do biến động giá dầu thô có thể bù đắp được từ số phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu.

Vì thế, các giải pháp mà lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế phải chú trọng, đó là tập trung tháo gỡ khó khăn trong thu thuế. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm nợ đọng thuế. Hiện con số nợ đọng thuế đã lên tới 70.000 tỷ đồng, trong đó số nợ thuế bất khả kháng cần xử lý là trên 25.000 tỷ đồng.

Vì thế, còn số gần 45.000 tỷ đồng nợ thuế còn lại là nhiệm vụ thu bất khả kháng của 63 cục thuế và các chi cục thuế địa phương. “Thu nợ đọng vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành thuế trong năm 2016”- Thứ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề