Mổ xẻ hệ lụy từ mô hình của VEC

(BĐT) - Cần xem lại mô hình của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là quan điểm của ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3 khi đề cập đến câu chuyện nợ công.
Hoạt động không hiệu quả, VEC đang là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động không hiệu quả, VEC đang là một gánh nặng đối với ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Đinh Tiến Dũng, cần xem lại cả mô hình của VEC bởi doanh nghiệp này không khác gì nhà thầu hay ban quản lý dự án. Liên quan đến nợ nần của VEC, ông Dũng cho rằng, doanh nghiệp phát hành trái phiếu cuối cùng không trả được nợ, Chính phủ lại phải trả. Vay ODA về cho “ông ấy” vay lại cũng không trả được nợ, Chính phủ lại phải trả. Nếu VEC là nhà thầu thì làm sao Chính phủ phải trả nợ.

Trước đó, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao VEC ký nhận nợ bắt buộc theo các quy định tại Nghị định số 15/2011/NĐ - CP về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đối với khoản tiền 5.334,3 tỷ đồng trái phiếu, được bộ này ứng trả nợ thay khi đến hạn. Phương án chuyển trái phiếu VEC thành khoản Chính phủ đi vay về cấp phát cho VEC để đầu tư trực tiếp vào dự án là chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Liên quan đến cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp này, cách đây đúng một năm, trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Thế Cường, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết sẽ thực hiện theo lộ trình: hoàn thành Quyết định tăng vốn điều lệ và thực hiện phê duyệt thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp trong quý I/2016; hoàn thành hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt giá trị doanh nghiệp trong quý II/2016. Trong quý III/2016, sẽ hoàn thành phương án CPH VEC, thẩm định phương án này trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH, VEC sẽ hoàn thành IPO trong vòng 90 ngày kể từ ngày có Quyết định phê duyệt phương án CPH này.

Tuy nhiên, đến nay việc CPH của VEC dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Cái khó nhất là giải quyết câu chuyện nợ nần, tính toán vốn liếng sao cho phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, doanh nghiệp có vốn đâu mà CPH, Bộ Tài chính không đồng ý, nợ một đống đưa về Chính phủ làm sao CPH?

Rõ ràng, CPH VEC đang gợi lên không ít vấn đề nan giải khi người đứng đầu cơ quan quản lý ngân sách đã thẳng thắn chia sẻ như trên. Chưa lúc nào như lúc này, hướng đi của một doanh nghiệp từng được kỳ vọng rất nhiều lại được đưa ra mổ xẻ với nhiều câu chuyện rắc rối đến như vậy.

Chuyên đề