Minh bạch thông tin để thúc cổ phần hóa

(BĐT) - Một trong những nguyên nhân khiến tiến trình cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn triển khai với tốc độ “rùa bò”, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thực hiện đúng quy định về công bố thông tin. “Sẽ có giải pháp mạnh về việc công bố thông tin để đẩy nhanh tiến độ CPH và thoái vốn nhà nước”, ông Tiến khẳng định.
Bộ Tài chính sẽ xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ chất lượng thông tin do doanh nghiệp công bố. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính sẽ xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ chất lượng thông tin do doanh nghiệp công bố. Ảnh: Lê Tiên

Thưa ông, DNNN phải công bố những thông tin gì?

Trước hết phải khẳng định, công bố thông tin đối với DNNN nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của DN; bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với khu vực kinh tế này. Trường hợp các thông tin được công bố có sự sai lệch, chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến uy tín của DN thì phải điều chỉnh thay đổi hoặc đính chính thông tin trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý.

Cụ thể, DN phải định kỳ công bố chiến lược phát triển; kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) và đầu tư phát triển 5 năm, hàng năm; báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch SXKD hàng năm và 3 năm gần nhất tính đến năm báo cáo; báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác (nếu có); báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm. Ngoài ra, DN còn phải công bố công khai báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm; báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng.

Minh bạch thông tin để thúc cổ phần hóa ảnh 1
Ông Đặng Quyết Tiến
DN chấp hành quy định này thế nào, thưa ông?

Chúng tôi thường xuyên kiểm tra 8 tập đoàn thì thấy về cơ bản, các tập đoàn đã thực hiện đầy đủ quy định về công khai, minh bạch thông tin. Trong đó, Vinatex, Viettel, VNPT… là những đơn vị làm khá tốt quy định này, toàn bộ các thông tin phải công bố đều được cập nhật kịp thời, đầy đủ lên website của DN để bất cứ nhà đầu tư, người dân nào quan tâm đều có thể cập nhật một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, vẫn có không ít DN công bố thông tin theo kiểu đối phó. Hệ quả là, trong 7 tháng đầu năm mới có 43 DN (trong đó có 6 tổng công ty) được phê duyệt phương án CPH; thoái được 2.879 tỷ đồng vốn nhà nước. Trong đó, các tập đoàn, tổng công ty (không tính SCIC) thoái được 381 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư và 1.259 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực khác. Riêng SCIC thoái được 1.229 tỷ đồng vốn nhà nước, thu về cho ngân sách nhà nước 3.248 tỷ đồng.

Với những đơn vị chấp hành không tốt thì xử lý thế nào?

Chúng tôi đang tiếp tục rà soát cả DN 100% vốn nhà nước lẫn DN mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối xem đơn vị nào chấp hành chưa tốt chế độ công bố thông tin để chấn chỉnh.

Trong quý III này, đơn vị nào không công khai thông tin theo đúng quy định sẽ bị đánh giá là không chấp hành kỷ luật công khai thông tin. Đây không chỉ là một trong những căn cứ để đánh giá, xếp loại A, B, C, mà còn là căn cứ để đánh giá, xếp loại người đứng đầu DN có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Người đứng đầu DN mà Nhà nước giữ cổ phần từ 50% trở lên đều là cán bộ, công chức, nên nếu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị xử lý theo Luật Công chức, Luật Viên chức và quy định của bộ, ngành, địa phương. Phải xử lý nghiêm người đứng đầu mới tạo ra kỷ luật, kỷ cương trong việc công khai, minh bạch thông tin.

Vậy DN chậm công bố thông tin bao lâu thì mới bị xử lý?

Như tôi đã nói, DN phải thực hiện công bố nhiều loại thông tin, có thông tin công bố trước ngày 30/9 của năm đầu kỳ (chiến lược phát triển; kế hoạch SXKD và đầu tư 5 năm), có thông tin công bố trước ngày 31/3 của năm thực hiện kế hoạch (kế hoạch SXKD và đầu tư hàng năm), có thông tin công bố không muộn hơn ngày 20/6 (kết quả thực hiện kế hoạch SXKD hàng năm và 3 năm gần nhất, thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN)…  

Sau thời điểm buộc phải công bố thông tin tối đa 6 tháng, nếu DN không chấp hành sẽ bị nhắc nhở, nhắc nhở quá 3 lần sẽ xử lý chứ không thể nhắc mãi được. Bởi đây là cách thúc đẩy DN đổi mới và hỗ trợ CPH. Nếu thông tin mù mờ thì không ai dám bỏ tiền ra đầu tư. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến trình CPH diễn ra quá chậm chạp.

Thưa ông, Bộ Tài chính sẽ có thêm giải pháp gì để khuyến khích DN minh bạch thông tin?

DN công khai, minh bạch thông tin mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là thông tin mà DN công bố có chất lượng. Để đo lường chất lượng thông tin, chúng tôi sẽ phối hợp với một số hiệp hội, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ chất lượng thông tin. Căn cứ vào các tiêu chí này, hàng năm, chúng tôi sẽ tổ chức một hội đồng bình chọn về thông tin do DN có vốn góp nhà nước từ 50% trở lên. Hội đồng bình chọn sẽ đánh giá, chấm điểm và xếp loại thông tin của DN theo nguyên tắc thông tin phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, minh bạch, chính xác, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Chắc là chỉ chấm điểm đối với DN tự nguyện tham gia. Thưa ông, nếu DN không muốn tham gia thì sao?

Tất nhiên là không bắt buộc DN phải tham gia. Nhưng DN phải thấy rằng, nếu không tham gia thì nhà đầu tư, người dân sẽ đánh giá chắc có vấn đề gì khuất tất nên không tham gia bình chọn thông tin. Một khi bị nhà đầu tư nghi ngờ về sự trung thực thì chắc chắn là khó có thể thoái vốn, CPH. Trong trường hợp này không chỉ lãnh đạo DN mà cả cơ quan chủ quản cũng phải chịu trách nhiệm về việc chậm CPH, thoái vốn. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, DN chỉ công khai những thông tin cơ bản, thông tin bắt buộc còn những thông tin liên quan đến khách hàng, thị trường, bí quyết, công nghệ… không phải công khai nên không sợ bị lộ bí mật kinh doanh.    

Chuyên đề