Mekophar - “hàng nóng” trở lại sàn chứng khoán

(BĐT) - Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố chấp thuận cho Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar được đăng ký giao dịch cổ phiếu tại HNX với khối lượng giao dịch là hơn 19,4 triệu cổ phiếu. 
Mekophar có chỉ số EPS dẫn đầu trong các “ông lớn” ngành dược đã niêm yết. Ảnh: Dương Thúy
Mekophar có chỉ số EPS dẫn đầu trong các “ông lớn” ngành dược đã niêm yết. Ảnh: Dương Thúy

Mặc dù chưa công bố thời gian và mức giá lên sàn, nhưng hiện tại Mekophar đang được định giá khoảng 80.000 đồng/CP trên sàn OTC.

EPS “khủng” nhất ngành dược

Trước đó, cổ phiếu Mekophar được giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ ngày 17/5/2010. Tuy nhiên, ngày 12/7/2012, cổ phiếu này đã hủy niêm yết trên HOSE để thực hiện việc tái cơ cấu cổ đông không có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Mekophar có sự tham gia của một doanh nghiệp dược đến từ Nhật, Nipro Pharma Corporation.

Trong lần trở lại trên HNX, Mekophar đã có màn tái xuất ấn tượng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2017, Mekophar đạt 988,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,2% so với 9 tháng 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 33,6%, từ 72,4 tỷ đồng lên 96,8 tỷ đồng.

Đóng góp chính cho tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng năm 2017 là khoản 9,9 tỷ đồng lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Ngoài ra, doanh thu tài chính 9 tháng 2017 của Mekophar cũng tăng 38,6% so với cùng kỳ 2016, từ 17,6 tỷ đồng lên 24,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty còn khoản doanh thu chưa thực hiện tại thời điểm cuối quý III/2017 là 48 tỷ đồng. Công ty cho biết, trong hoạt động kinh doanh của Mekophar có dịch vụ ngân hàng tế bào gốc. Đây là dịch vụ có doanh thu phân bổ từ 10 - 20 năm tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Thu nhập cơ bản trên một cổ phần (EPS) 9 tháng đầu năm 2017 đạt 5.056 đồng/CP. So sánh với các “ông lớn” ngành dược đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán thì EPS của Mekophar đang dẫn đầu.

Không chỉ có hiệu quả kinh doanh tốt, sức khỏe tài chính của Mekophar cũng rất lành mạnh khi nợ phải trả tại thời điểm cuối quý III/2017 chỉ là 204 tỷ đồng, chiếm 20% tổng tài sản và hoàn toàn không có vay nợ ngắn hạn và dài hạn.

Mekophar có hiệu quả kinh doanh tốt, sức khỏe tài chính cũng rất lành mạnh

Triển vọng phát triển bền vững

Từ năm 2008, ứng dụng những thành tựu y học, Mekophar mở công ty con chuyên dịch vụ ngân hàng tế bào gốc (Mekostem), chuyên cung cấp các dịch vụ về thu thập, phân tích, xử lý tách tế bào, bảo quản các loại tế bào gốc từ máu theo nhu cầu.

Nhờ đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng tế bào gốc, doanh thu từ mảng này tăng trưởng rất nhanh và có biên lợi nhuận gộp rất tốt. Doanh thu từ hoạt động này đã tăng hơn 3 lần từ 16,3 tỷ đồng năm 2012 lên 55,3 tỷ đồng năm 2016. Lãi gộp hoạt động này năm 2016 tăng lên 45,2 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp 82%.

Công ty cũng duy trì hệ số thanh toán khá tốt nhờ tiềm lực dòng tiền mạnh, được tích lũy hàng năm từ doanh thu tăng trưởng. Giai đoạn 2012 - 2017, hệ số thanh toán nhanh và thanh toán ngắn hạn của Mekophar trung bình đạt lần lượt là 3,6x và 5,2x. Các khoản phải thu dài hạn cũng không xuất hiện trong cơ cấu tài sản.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu 2017, khoản mục tài sản dở dang dài hạn của Công ty đã tăng đột biến từ 98 tỷ đồng lên hơn 269 tỷ đồng. Theo giải trình, đây là khoản đầu tư vào Dự án Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Sản xuất Sinh - Dược phẩm Mekophar.

Dự án này được triển khai từ năm 2015 với chi phí ban đầu khoảng 9,5 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển sinh - dược - ngân hàng tế bào gốc; xây nhà máy sản xuất thuốc Nonbeta Lactam đạt tiêu chuẩn PIC/S (sản lượng 2 tỷ viên mỗi năm) dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Giai đoạn 2 sẽ tập trung xây dựng các dây chuyền sản xuất thuốc. Nhiều chuyên gia kỳ vọng dự án này sẽ tạo ra các sản phẩm dược công nghệ sinh học thế hệ mới, điều trị chất lượng tốt với giá hợp lý, có thể cạnh tranh được với các hãng dược nước ngoài.

Chuyên đề