M&A ngân hàng: dễ và khó!

Những tưởng cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua lại cổ phần của các ngân hàng trong nước và những ngân hàng nhỏ yếu kém có cơ hội thu hút vốn ngoại, nâng cao năng lực hoạt động, song thực tế lại không như mong đợi.
M&A ngân hàng: dễ và khó!

Bên mua, bên bán chưa “gặp nhau”

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã trải qua cuộc “đại phẫu” và không ít nhà băng nhỏ yếu kém phải đối mặt với làn sóng M&A. Trong đó, một số ngân hàng phải sáp nhập, bán lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với giá 0 đồng và thực tế có một số ngân hàng muốn bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để được tái cơ cấu, hồi sinh. Nhưng bên cạnh những ngân hàng đã thu hút vốn ngoại thành công, cũng có không ít nhà băng thất bại trong đàm phán gọi vốn ngoại để tránh M&A hay bị mua lại với giá 0 đồng.

Trước khi phải bán lại cho NHNN với giá 0 đồng, GPBank đã được Chính phủ cho phép bán 100% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài để tái cấu trúc. Tuy nhiên, việc gọi vốn này đã không thành công. Được biết, trước đó, NHNN đã giới thiệu Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB, Singapore) vào khảo sát tại GPBank. Hai bên đã đàm phán và gần hoàn tất các quy trình thủ tục, nhưng cuối cùng, do một nhóm cổ đông GPBank không đồng ý về giá chuyển nhượng nên UOB đã ra đi. Sau đó, NHNN giới thiệu Hongleong Bank (Malaysia) tìm hiểu GPBank, nhưng sau 3 tháng khảo sát, tập đoàn này cũng ra đi.

Mặc dù nguyên nhân “cuộc hôn nhân” giữa Hongleong Bank và GPBank bất thành không được tiết lộ, song theo một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, có thể lý do vẫn là nhóm cổ đông trên của GPBank không chấp nhận mức giá của đối tác nước ngoài. Không ít ý kiến cho rằng, để thu hút được đối tác ngoại mua lại 100% vốn của nhà băng yếu kém thì ít nhất ngân hàng nội cũng phải hy sinh về giá bán.

Để có nguồn lực tái cơ cấu, không ít ngân hàng kỳ vọng được nới thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, thậm chí, một số nhà băng nhỏ còn muốn bán đứt 100% vốn cho cổ đông ngoại. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nội nào bán 100% cổ phần cho đối tác ngoại.

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities cho rằng, xét về lý thuyết thì với phương án trên sẽ khả thi cho cả hai bên, nhưng trên thực tế, cũng cần xem xét tâm lý của bên mua như thế nào. Bởi không hẳn cứ nới room là có thể hấp dẫn được đối tác ngoại nếu nội tại của ngân hàng nhỏ đó yếu kém và tiềm năng tăng trưởng không được như kỳ vọng. Điều đó cũng có nghĩa, không hẳn khi “room” được mở hết 100% ở một số nhà băng nhỏ, nhưng yếu kém… là sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu của các nhà đầu tư khi đầu tư vào ngân hàng nhỏ, yếu kém là để có thể phát triển nó mạnh lên. Vì thế, ngoài yếu tố về giá được xem là một trong những nhân tố sẽ quyết định, nhà đầu tư cũng quan tâm nhiều hơn đến yếu tố tăng trưởng, cho dù lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng.

Trước khi được NHNN mua lại với giá 0 đồng, GPBank từng được hai đối tác ngoại ngấp nghé 

Room cũng là yếu tố luôn được các cổ đông chiến lược nước ngoài cân nhắc trong quá trình đàm phán mua lại cổ phần của ngân hàng trong nước. Bởi  họ đã nhận thấy, hạn chế về tỷ lệ sở hữu sẽ hạn chế về ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của ngân hàng. Hiện nhiều ngân hàng đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại (VCB, EIB, CTG, ACB, STB, OCB, SeABank…), nhưng tiếng nói của đối tác ngoại trong nhà băng nội còn khá hạn chế. Vì thế, dù không ít ngân hàng Việt Nam tuyên bố bán cổ phần cho đối tác chiến lược, nhưng đến nay vẫn chưa thành công như: VPBank, HDBank, Sacombank…

Ngân hàng ngoại có xu hướng mở ngân hàng con

Sau một thời gian đầu tư vào các ngân hàng trong nước, các tập đoàn tài chính nước ngoài có xu hướng chuyển sang xin thành lập ngân hàng 100% vốn ngoại. Chẳng hạn, ANZ rút gần 10% vốn khỏi Sacombank và chuyển nhượng lại cho Eximbank trước khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn đầu năm 2012. ANZ đã thành lập ngân hàng con 100% vốn ngoại tại Việt Nam cùng nhiều cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng như ngân hàng nội nên việc thoái vốn cũng là bình thường.

Cổ đông nước ngoài là Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) nắm giữ 20% của Mekong Bank cũng nhanh chóng rút vốn khi nhà băng này sáp nhập vào MaritimeBank và FII cho biết đang tìm kiếm cơ hội mới ở thị trường Việt Nam.

Gần đây, trên thị trường cũng xuất hiện thông tin nhiều khả năng Tập đoàn UOB sẽ rút khỏi Southern Bank khi nhà băng này chính thức sáp nhập vào Sacombank, nhưng có thể UOB không rời thị trường Việt Nam mà sẽ tìm kiếm một đối tác ngân hàng Việt Nam khác để đầu tư. Trước đó, Tập đoàn Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) là đối tác nước ngoài của VPBank đã rút vốn khỏi nhà băng này kể từ cuối năm 2013 sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng 14,88% cổ phần của VPBank sau hơn 7 năm hợp tác.

Các ngân hàng nước ngoài mới và thị trường Việt Nam như Kasikorn Bank (Thái Lan) thừa nhận, sau khi dự định mua 100% cổ phần của ngân hàng nội yếu kém nhưng bất thành do không thống nhất được các chi tiết, Kasikorn Bank đang tính đến kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Việt Nam.

Hay E.SUN, ngân hàng đến từ Đài Loan đã mở chi nhánh tại Đồng Nai từ tháng 9/2015. Theo ông Huang Nan Chou, Tổng giám đốc Ngân hàng, trong tương lai khi hội đủ điều kiện, ESUN cũng sẽ phát triển thành ngân hàng con tại Việt Nam, bởi ESUN đánh giá đây là thị trường khá tiềm năng cho hoạt động dịch vụ tài chính - ngân hàng, với lượng doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động tại Việt Nam khá nhiều.

Trước đó, vào cuối quý I/2015, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc Public Bank Berhad (PBB) được nhận toàn bộ phần vốn góp của BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của PBB. Đến ngày 1/4/2016, Ngân hàng Liên doanh VID Public chính thức chuyển đổi thành Ngân hàng TNHH Một thành viên Public Việt Nam.

Đầu tháng 8 này, Thống đốc NHNN đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc việc ngân hàng Woori thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam (Woori Việt Nam). Có thể thấy rằng, các tập đoàn tài chính nước ngoài đang từng bước hiện thực hóa chiến lược kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam bằng cách hình thành ngân hàng con 100% vốn ngoại, thay vì đầu tư mua lại ngân hàng “nội” để tận dụng mạng lưới hoạt động.

Có ý kiến cho rằng, có thể do những khác biệt về môi trường, quan điểm kinh doanh, nên cho đến thời điểm này hầu như các đối tác chiến lược nước ngoài chưa thể hiện hết vai trò và đạt được kỳ vọng mong muốn trong cuộc “hôn nhân” với các ngân hàng nội. Đồng thời, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tối đa 20%, cổ đông ngoại không nắm được quyền chi phối tại ngân hàng nội, nên đã quyết định hình thành ngân hàng con 100% vốn ngoại.

Để giải bài toán hút vốn ngoại để tái cơ cấu ngân hàng nội, theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Hiện với các doanh nghiệp, room cho nhà đầu tư nước ngoài đã được nâng lên 100% thì với lĩnh vực tài chính, ngân hàng – lĩnh vực nhạy cảm cũng cần phải cao hơn tỷ lệ tối đa 30% theo quy định hiện hành thì nhà đầu tư mới hào hứng. Thực tế, không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài, mà ngay cả ngân hàng trong nước cũng kỳ vọng điều đó khi mong muốn được nâng tỷ lệ room dành cho đối tác ngoại lên trên 50% như trường hợp của SCB đã được chấp nguyên tắc và đây là trường hợp đầu tiên.     

Chuyên đề