Lợi nhuận ngân hàng bắt đầu khởi sắc

Thêm nhiều ngân hàng thương mại dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận cao nửa đầu năm nay...
Nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh tín dụng, với mức tăng trưởng nhiều thành viên đạt từ 13-15%, trong khi cùng kỳ những năm trước phổ biến chỉ tăng trưởng ở mức một con số hoặc chỉ chớm dương nhẹ.
Nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh tín dụng, với mức tăng trưởng nhiều thành viên đạt từ 13-15%, trong khi cùng kỳ những năm trước phổ biến chỉ tăng trưởng ở mức một con số hoặc chỉ chớm dương nhẹ.

Đến đầu tuần này, bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu 2017 tiếp tục cho thấy sự khởi sắc, khi có thêm kết quả ước tính của những thành viên lớn.

Tại hội nghị sơ kết cuối tuần qua, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp tục thể hiện tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá cao, cũng như đặt triển vọng giữ vị trí số 1 về lợi nhuận toàn hệ thống năm nay.

Báo cáo tại hội nghị cho biết, lợi nhuận trước thuế trước dự phòng của Vietcombank 6 tháng đầu 2017 đạt 8.058 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng đạt 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ 2016, đạt 53,2% kế hoạch 2017.

Hiện Vietcombank đang có con số tuyệt đối về lợi nhuận cao nhất hệ thống sau 6 tháng đầu năm, một số thành viên có cùng tương quan so sánh như Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chưa có cập nhật và công bố cụ thể.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần không có tỷ lệ sở hữu Nhà nước chi phối, vị trí dẫn đầu về con số lợi nhuận vẫn còn chờ báo cáo từ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Còn tại Ngân hàng Quân đội (MB), thành viên có mức lợi nhuận nhóm đầu của khối này, có sự ổn định và tăng trưởng khá đều những năm qua, số liệu cơ bản đã định hình.

Theo tìm hiểu của VnEconomy, kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng tài sản riêng MB đã tăng 8% so với 31/12/2016, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016, đạt xấp xỉ 269.500 tỷ đồng.

Về hoạt động huy động vốn và tín dụng, đến hết ngày 30/6/2017, dư nợ cho vay của MB ước đạt 170.564 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2016; huy động vốn đạt xấp xỉ 203,596 nghìn tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2016 và tăng trưởng 7% so với cùng kỳ. Và tỷ lệ nợ xấu ước khoảng 1,3%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 và thấp hơn mục tiêu duy trì dưới 1,5% mà ngân hàng này đưa ra đầu năm.

Ước tính nửa đầu năm nay, MB đã đạt 2.368 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm và vượt hơn 30% kết quả thực hiện so với cùng kỳ năm 2016.

Chưa lấy lại được quy mô lớn của giai đoạn trước, nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng đã tạo được tốc độ tăng lợi nhuận mạnh so với cùng kỳ 2016.

Cụ thể, theo tìm hiểu của VnEconomy, 6 tháng đầu 2017, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt được khoảng 400 tỷ đồng, thay đổi rất lớn khi cùng kỳ năm ngoái chỉ được 79 tỷ đồng.

Dù đang gặp nhiều khó khăn, một thành viên lớn khác là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang lấy lại khả năng sinh lời với chuyển biến rõ hơn trong nửa đầu năm nay.

Cụ thể, lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Sacombank trong 6 tháng đầu 2017 ước đạt 490 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 428 tỷ đồng, tăng 70,4% so với cùng kỳ 2016. Thế mạnh về dịch vụ của Sacombank vẫn thể hiện rõ trong quá trình tái cơ cấu, khi thu dịch vụ có tăng trưởng cao, đạt 727 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ, chiếm 23,4% tổng thu nhập.

Trước đó, một loạt thành viên khác như Ngân hàng Phương Đông (OCB), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)… cũng đã lần lượt công bố, cập nhật những con số lợi nhuận ước tính ấn tượng so với cùng kỳ 2016.

Điểm chung và cũng là khác biệt lớn so với những năm trước: nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng rất mạnh tín dụng, với mức tăng trưởng nhiều thành viên đạt từ 13-15%, trong khi cùng kỳ những năm trước phổ biến chỉ tăng trưởng ở mức một con số hoặc chỉ chớm dương nhẹ.

Chuyên đề