Lãi suất vẫn chịu áp lực tăng

Có nhiều yếu tố từ bên trong và bên ngoài ngành ngân hàng đang thách thức nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tín dụng tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm, nhưng huy động vốn giảm tốc đang tạo sức ép lên thanh khoản và lãi suất của các ngân hàng
Tín dụng tăng trưởng tích cực trong 4 tháng đầu năm, nhưng huy động vốn giảm tốc đang tạo sức ép lên thanh khoản và lãi suất của các ngân hàng

NHNN quyết tâm giữ ổn định

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ tiếp tục giao nhiệm vụ cho NHNN thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Trước đó, NHNN đã có buổi họp với các ngân hàng lớn để bàn về vấn đề ổn định mặt bằng lãi suất. Tại buổi họp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN vẫn tiếp tục mục tiêu điều hành giữ ổn định lãi suất và có đủ cơ sở để điều hành theo hướng này.

Trong điều hành cung tiền, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát và khi hệ thống có khó khăn về vấn đề thanh khoản thì hỗ trợ kịp thời, linh hoạt qua các kênh nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn... Các ngân hàng lớn cũng đồng thuận trong việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, các giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý trong những tháng đầu năm 2017 bước đầu đạt được kết quả tích cực.

Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ và lạm phát, NHNN tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất. “Về cơ bản, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng được giữ ổn định”, ông Long nhấn mạnh.

Thực tế, trên thị trường 1, sau khi lãi suất huy động tăng từ 0,1 - 0,5%/năm tại một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 3, sang tháng 4/2017, thị trường chưa ghi nhận thêm mức điều chỉnh đáng kể nào. Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 12 tháng dao động quanh mức 7%/năm.

… nhưng lãi suất chưa hết áp lực

Mặc dù NHNN đã phát huy vai trò điều hành hỗ trợ thanh khoản qua các kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ khi tỷ giá giảm sâu để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, nhưng các yếu tố tạo áp lực tăng lên lãi suất vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong tháng 4 vừa qua.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tín dụng tháng 4 tiếp tục đà tăng trưởng tốt từ quý I. Ước tính đến hết tháng 4/2017, tín dụng tăng khoảng 5,2% so với đầu năm (cùng kỳ 2016 tăng 4,2%). Trong khi đó, huy động vốn đến cuối tháng 4 chỉ tăng 3,7% (cùng kỳ 2016 tăng 4,6%).

Điều đó đã khiến thanh khoản của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu khó khăn cục bộ trong tháng 4, đẩy lãi suất liên ngân hàng dù giảm nhẹ so với tháng 3, song vẫn ở mức khá cao.

Mặc dù tuần thứ 2 của tháng lãi suất có xu hướng hạ nhiệt xuống mức 4,5%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1 tuần do NHNN mua vào ngoại tệ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường, nhưng ngay sau đó, lãi suất đã nhanh chóng tăng trở lại trong 2 tuần tiếp theo, cuối tháng dao động quanh mức 4,7 - 4,9%/năm với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần.

Trên thị trường 1, một số ngân hàng cũng có biểu hiện tăng lãi suất. Thông tin từ PVcomBank cho biết, ngân hàng này vừa mới triển khai chương trình tích lũy tối đa khi khách hàng thực hiện giao dịch tiền gửi đại chúng, tiết kiệm bậc thang hay tiết kiệm trả lãi trước, PVcomBank sẽ dành tặng các khách hàng mức ưu đãi lãi suất.

Còn VietBank đang chạy chương trình gửi tiết kiệm trực tuyến (online) lãi suất lên tới 8%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy 0,1%/năm. Trong khi tại các ngân hàng khác cho thấy, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn tuy không được nâng lên kịch trần, nhưng lại thu hút khách hàng bằng các chương trình khuyến mại hấp dẫn như quà tặng và rút thăm trúng thưởng cuối kỳ…

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016 do kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng; nợ xấu chưa được xử lý triệt để; các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Được biết, từ 1/1/2017, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn quy định là 50%. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35% và vẫn còn một số tổ chức tín dụng vượt quá quy định này.

Nhận định được đưa ra từ một số chuyên gia kinh tế, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2017 (lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm phần trăm), cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý để giảm áp lực lên tỷ giá. 

Chuyên đề