Lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ đã tạo đáy

(BĐT) - Tuần cuối cùng của tháng 8/2017, các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã rơi vào tình trạng ế ẩm. 
Tính chung 8 tháng, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động trên thị trường là 144.093 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch. Ảnh: Internet
Tính chung 8 tháng, khối lượng trái phiếu chính phủ huy động trên thị trường là 144.093 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch. Ảnh: Internet

Theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong tuần này, KBNN tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm với khối lượng gọi thầu các loại kỳ hạn đều ở mức 500 tỷ đồng. Tuy tỷ lệ đặt thầu vẫn khá cao, nhưng tỷ lệ trúng thầu tất cả các kỳ hạn đều là 0%. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp kể từ đầu năm 2017 cho đến nay, các phiên đấu thầu TPCP không thu hút được nhiều lượng cầu cũng như khối lượng trúng thầu ở mức rất khiêm tốn.

BVSC nhận định, việc KBNN gọi thầu không thành công trong tuần qua một lần nữa cho thấy lãi suất trúng thầu các kỳ hạn đã tạo đáy và đang có xu hướng tăng nhẹ trở lại. Kỳ hạn 5 năm và 7 năm mặc dù có giá trị đặt thầu vẫn ở mức khá cao nhưng mức lãi suất đưa ra của KBNN không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chung đánh giá, huy động TPCP trong tháng 8 diễn biến kém thuận lợi với tỷ lệ trúng thầu đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm. Lực cầu giảm mạnh khiến thị trường TPCP ảm đạm với tỷ lệ trúng thầu đạt mức thấp nhất trong năm. Nguyên nhân chính của hiện tượng này theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là do Chính phủ nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng khiến các ngân hàng có xu hướng giữ lại nguồn để cho vay thay vì đầu tư vào TPCP.

Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, khối lượng TPCP huy động trên thị trường là 144.093 tỷ đồng, đạt 78,6% kế hoạch (183,3 nghìn tỷ đồng), đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán năm. Với số lượng đã huy động như vậy, sức ép huy động TPCP trong 4 tháng cuối năm đối với KBNN không quá lớn. 

Chuyên đề