Lãi suất quý IV vẫn còn áp lực tăng

Mặc dù lãi suất đầu ra được đánh giá sẽ khó tăng, thậm chí chủ trương của cơ quan quản lý còn phải nỗ lực giảm, song áp lực lên lãi suất tiết kiệm quý cuối năm vẫn chưa hết, nhất là khi mùa cao điểm kinh doanh của doanh nghiệp đang cận kề, lạm phát có dấu hiệu tăng, hay khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất trong tháng 9 tới…
Lãi suất huy động tăng, nên lãi suất cho vay sẽ khó giảm
Lãi suất huy động tăng, nên lãi suất cho vay sẽ khó giảm

Nhu cầu vốn sẽ đẩy lãi suất tiết kiệm tăng

Giám đốc khối thị trường mới nổi Công ty Korea Investment & Securities, ông Yun Hang Jin cho rằng, sự biến động của các nhân tố chủ chốt có thể kéo lãi suất VND tăng trở lại trong quý IV/2016, nhất là khi khả năng Fed tăng lãi suất trở lại trong tháng 9 tới đây sẽ tác động lên tỷ giá.

Lịch họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của Fed) năm 2016 dự kiến diễn ra vào các ngày 20/9, 1/11, 13/12. Các nhận định cho thấy, hiện tại, 70% đánh giá cao khả năng FOMC nâng lãi suất tại kỳ họp diễn ra vào tháng 9/2016.

Theo các chuyên gia tài chính, càng về cuối năm, khả năng Fed nâng lãi suất càng gia tăng. Mặt khác, tiền đồng đang mạnh lên so với tiền Nhân dân tệ, nên tỷ giá VND có thể tăng nhẹ trở lại, hơn là giảm sâu thêm trong những tháng cuối năm. Mặt khác, trong thời gian qua, thực hiện chính sách nới lỏng nhằm giảm lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, khiến lãi suất đồng Việt Nam duy trì ở mức thấp một thời gian dài. Hiện lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại khi CPI trung bình quý II/2016 tăng 0,5%. Giá dầu tăng, kế hoạch tăng học phí và bảo hiểm y tế… cũng khiến áp lực lạm phát lớn dần. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng các khoản phát hành trái phiếu ngắn hạn, nhằm điều tiết thanh khoản thị trường...

Sự biến động của các nhân tố chủ chốt có thể kéo lãi suất tiết kiệm tăng trở lại cuối năm, song khó đột biến và lãi suất đầu ra khó tăng cao, bởi các ngân hàng còn phải cạnh tranh về lãi suất để giành được thị phần tín dụng tốt. Vì thế, cho dù nhu cầu vốn của khách hàng có tăng lên trong quý cuối năm hay chi phí đầu vào tăng, thì lãi suất cho vay vẫn ổn định.

TS. Alan Phạm, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, khả năng lãi suất từ nay đến cuối năm cũng sẽ tăng nhẹ, vì nhu cầu vốn cuối năm thường gia tăng mạnh hơn so với các tháng trong năm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không nhiều, khoảng 0,5-1%/năm. Hiện tại, thanh khoản của các ngân hàng vẫn vững, nên các nhà băng có đủ tiền nhàn rỗi để đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng cao trong quý IV/2016. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng vẫn ở xu hướng giảm, khó tăng lên… song vì đón đầu nhu cầu kinh doanh cuối năm, nên các ngân hàng phải tăng huy động vốn.

Trên thực tế, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng đã tăng trong thời gian gần đây, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi ở một số nhà băng quy mô nhỏ lên sát ngưỡng 8%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Cụ thể, mức lãi suất 7,55-7,7%/năm hiện đang được VietA Bank áp dụng cho khách hàng trên 35 tuổi, kỳ hạn gửi 15 tháng, hay tại Viet Capital Bank là mức 7,6%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm 13 tháng trở lên…

Thế nhưng, để cạnh tranh huy động được nguồn tiết kiệm, không ít ngân hàng còn tăng cường khuyến mại, tặng quà. Tại MaritimeBank, cứ mỗi 100 triệu đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn tối thiểu 3 tháng, khách hàng sẽ được quay thưởng trực tiếp tại quầy. 100% khách hàng đáp ứng điều kiện của chương trình sẽ được nhận ngay giải thưởng bằng tiền mặt với giá trị lên đến 100% giá trị tiền gửi (tối đa 100 triệu đồng). ACB triển khai chương trình khuyến mại “Yêu thương sum vầy” dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại ACB, với tổng giá trị quà tặng lên tới 3,8 tỷ đồng… 

Lãi suất cho vay khó giảm

Chính áp lực từ lãi suất tiền gửi tiết kiệm trong quý còn lại của năm sẽ phần nào tác động lên lãi suất đầu ra. Mặc dù các nhà băng đang ra sức tung các gói tín dụng lãi suất ưu đãi, song thực tế, mức lãi suất ưu tiên cũng chỉ duy trì trong thời gian ngắn. Điều đó cho thấy, có khó khăn nhất định trong việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay.

Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, việc giữ ổn định, không để lãi suất tăng là một thành công đáng ghi nhận của ngành ngân hàng trong thời điểm hiện nay.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng đã giữ ổn định đồng tiền, cố gắng không để lãi suất cho vay tăng lên. Theo TS Lịch, đây là một nhiệm vụ mà trước đó nhiều chuyên gia dự báo rằng rất khó thực hiện, nhưng đến nay, hệ thống ngân hàng vẫn làm được. Nguồn vốn tín dụng ưu tiên sản xuất với các lĩnh vực như cho vay để phát triển ngành thủy sản, cho vay thu mua lúa gạo… đã hỗ trợ tích cực cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy lãi suất cho vay trung hạn còn cao, nhưng trong 6 tháng qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh tốt đã vay được vốn lãi suất ưu đãi, thậm chí có nơi ngân hàng chào mời mức lãi suất cho vay 6%/năm, tức là những doanh nghiệp làm ăn tốt đều có cơ hội để vay lãi suất thấp, thuận lợi để đầu tư mới, mở rộng sản xuất. Mặc dù vậy, doanh nghiệp cũng không nên kỳ vọng lãi suất sẽ xuống thấp hơn nữa, bởi hiện nay, nợ xấu vẫn là rào cản mà các ngân hàng đang nỗ lực gỡ bỏ, nhất là về tài sản thế chấp ở VAMC. Lộ trình xử lý nợ xấu còn chậm thì lãi suất cho vay khó giảm.

Thời gian vừa qua Thống đốc NHNN đã ban hành nhiều chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm các chi phí hoạt động, cân đối nguồn vốn, từ đó phấn đấu giảm lãi suất cho vay, song điều này là rất khó. Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều ngày 11/8, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho biết, cơ quan điều hành sẽ cố gắng phấn đấu để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp. Nhưng thực tế cho thấy, để giảm được lãi suất cho vay không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được.

Cũng theo bà Hồng, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại, thì việc ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn và thách thức. Thời điểm đầu năm, một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Nhưng với diễn biến hiện nay, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Theo đó, NHNN tổ chức các giải pháp đầu tiên là ổn định mặt bằng lãi suất huy động. Để đạt được mục tiêu này, vai trò điều tiết của NHNN được thể hiện rõ nét, đảm bảo thanh khoản dư thừa ở mức hợp lý. Đồng thời, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng được quy định ở mức phù hợp, nhằm đảm bảo các ngân hàng sẽ không quay ra huy động vốn từ dân cư, qua đó đẩy lãi suất tăng lên. Theo bà Hồng, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ sử dụng mọi công cụ, cố gắng ổn định tình hình lãi suất.

Chuyên đề