Lãi suất huy động tiếp tục tăng

Làn sóng tăng lãi suất huy động tiếp tục diễn ra trong những ngày qua khi một số ngân hàng cộng thêm mức lãi 0,2-0,3% ở nhiều kỳ hạn nhằm hút khách gửi tiền.
Ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.
Ngân hàng lại rục rịch tăng lãi suất tiền gửi.

Cuối tuần qua, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank vừa điều chỉnh khung lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân. Mặc dù các kỳ hạn ngắn dưới 3 tháng vẫn ở mức thấp nhưng các kỳ hạn từ 5 đến 12 tháng thì được ngân hàng này tăng 0,2- 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ cuối tháng 5, lên quanh 5,5 - 6,8% một năm. Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng là 7,4% với kỳ hạn 36 tháng.

Một trong những "ông lớn" quốc doanh là Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng nhẹ 0,1% đối với kỳ hạn 3 tháng (từ 5% lên 5,1%), kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.

Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6, thị trường cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng khối cổ phần. Như tại Viet Capital Bank, lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05-0,3% một năm.

Một số ngân hàng khác như Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1%, từ 5,4% lên 5,5%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay được đặt ra là 18-20%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng trung bình trong những năm qua khoảng 10-15% một năm, nên các chuyên gia cho rằng ngân hàng phải có nguồn vốn huy động dồi dào để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Dự báo về diễn biến lãi suất trong những tháng tới, các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và còn có xu hướng tăng nhẹ. Tại hội thảo mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính Quốc gia cho rằng, muốn giảm lãi suất, Việt Nam phải nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng muốn thế phải có dư địa chứ không thể in thêm tiền.

Ông Nghĩa phân tích, Trung Quốc có dư địa tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao, Mỹ cũng vậy. Trong khi Việt Nam tỷ lệ này chỉ có 3% không xuống được nữa, bên cạnh đó tài khóa cũng không còn dư địa và chính sách tiền tệ còn rất ít.

Ngoài ra, nguồn lực dự trữ ngoại tệ của Việt Nam khá hạn hẹp, hiện chỉ khoảng 35-36 tỷ USD. Với số dự trữ này, nếu lỡ có thiên tai, dịch hoạ... thì chỉ đủ dùng trong 10 tuần nhập khẩu. Bên cạnh việc kinh tế đang gặp khó khăn trong chu kỳ ngắn thì sự kiện Brexit có thể làm tình hình khó khăn hơn.

Theo ông Nghĩa, sắp tới nguồn vốn cho doanh nghiệp còn khó khăn hơn vì lãi suất có thể tăng trở lại, song mức tăng không đáng kể. Tuy nhiên, ông đánh giá, trường hợp lãi suất tăng, kinh tế Việt Nam không quá ảnh hưởng vì lợi suất trái phiếu Chính phủ đang có xu hướng đi xuống và lãi suất bình quân liên ngân hàng ở mức thấp.

Chuyên đề