Lãi suất có làm khó doanh nghiệp?

(BĐT) - Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc tiếp cận các nguồn vốn vay, tuy nhiên đến thời điểm này, không ít ngân hàng vẫn điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, gây tâm lý lo lắng cho các doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay dài hạn mà không ổn định thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư dài hạn. Ảnh: Lê Tiên
Lãi suất cho vay dài hạn mà không ổn định thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư dài hạn. Ảnh: Lê Tiên

Lãi suất vẫn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặt bằng lãi suất đã giảm rất nhiều so với khoảng 3 - 4 năm trước, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, nhất là khi ngành ngân hàng vẫn là “bà đỡ” chủ yếu về vốn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Lãi suất cho vay của một số ngân hàng hiện ở mức khoảng 8-9%/năm.

Bình luận về hiện tượng nêu trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, mức lãi suất như vậy là quá cao trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Minh Hồng, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác Thăng Long cho rằng, mức lãi suất như trên vẫn làm khó doanh nghiệp. “Hiện các doanh nghiệp ngành cơ khí vẫn gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì với mức lãi suất này doanh nghiệp vẫn phải “nghiến răng” vay để đầu tư sản xuất” - ông Hồng cho biết.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vạn Xuân, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, doanh nghiệp vẫn phải mất rất nhiều thủ tục. “Đối với việc vay vốn đầu tư dài hạn, phía ngân hàng vẫn yêu cầu nhiều thủ tục. Hơn nữa, với nguồn vốn vay dài hạn, là người “nắm đằng chuôi” nên các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất hàng tháng nên doanh nghiệp sợ không dám vay để đầu tư dài hạn. Đôi khi các doanh nghiệp đã khó lại càng khó để có thể đáp ứng được” - ông Khang phản ánh.

Lo ngại lãi suất làm khó doanh nghiệp

Trước thực tế nêu trên, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, cần phải hạ lãi suất xuống, thúc đẩy tín dụng nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. “Đây là hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, bởi khi giảm được chi phí chi trả cho lãi ngân hàng thì phần lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng lên, túi tiền chi tiêu của người dân tăng lên, bổ sung vào tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó khắc phục nợ xấu cho các ngân hàng. Giải pháp này sẽ góp phần gián tiếp xử lý nợ xấu trong khối ngân hàng hiện nay”.

Để ngân hàng vẫn là “bà đỡ” chủ yếu về vốn cho hoạt động của doanh nghiệp, ông Hồng kiến nghị, việc giảm lãi suất cho vay là điều kiện tốt để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, trong đó chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

“Lãi suất cho vay dài hạn mà không ổn định thì doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư dài hạn. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh” – ông Khang chia sẻ.

Mặt khác, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cần phải tăng tính cạnh trong trong thị trường vốn của Việt Nam. Thị trường vốn hiện nay vẫn chưa thực sự cạnh tranh, thậm chí méo mó… Nếu không được cải cách thực sự sẽ tiếp tục là lực cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Chuyên đề