Lạc quan về cổ phần hóa DNNN trong năm tới

(BĐT) - Nhiều khả năng, kế hoạch thoái vốn và cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2017 sẽ không đạt mục tiêu đã đặt ra. Tuy nhiên, nhìn về triển vọng năm 2018, nhiều nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, hoạt động CPH, thoái vốn nhà nước sẽ có nhiều bứt phá.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Những tín hiệu tích cực

Chỉ còn vài tuần nữa là kết thúc năm 2017, nhưng theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong 11 tháng năm 2017, cả nước mới CPH được 21 DNNN với tổng số tiền thu được từ CPH là 2.214,64 tỷ đồng; thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước hơn 25.000 tỷ đồng. Như vậy, nhiệm vụ thu từ thoái vốn, CPH phải nộp về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội tính đến hết tháng 11/2017 là hơn 22.709 tỷ đồng, chỉ đạt 37,84% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế, năm 2018, hoạt động thoái vốn, CPH DNNN sẽ có thêm những động lực mới bởi hiện tại một loạt DNNN quy mô lớn đã công bố kế hoạch IPO và thoái vốn. Bên lề Diễn đàn DN Việt Nam 2017 vừa diễn ra, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC (Việt Nam) chia sẻ, hiện nhiều DNNN đang đẩy mạnh CPH, thoái vốn nhà nước, tạo nên hứng khởi mới cho thị trường vốn Việt Nam. Theo ông Hải, nếu như trước đây, các nhà đầu tư than phiền họ không có hàng để mua, hoặc không có DN có giá trị thoái vốn lớn để tham gia đầu tư thì giai đoạn hiện nay được xem là cơ hội phù hợp khi có nhiều DN lớn tung hàng ra thị trường. Quá trình thoái vốn DNNN cũng đang có những diễn biến tốt khi Nhà nước muốn bán với tỷ lệ sở hữu lớn, đơn cử như Sabeco, Nhà nước sẽ bán hơn 53% vốn điều lệ.

“Điều này thể hiện rõ thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thoái vốn, CPH ở những lĩnh vực kinh tế mà Nhà nước không cần kiểm soát thì cho khu vực tư nhân tham gia”, ông Hải nhận xét và cho biết, các nhà đầu tư đang dành sự quan tâm đặc biệt đến những thương vụ lớn.

Ông Phạm Hồng Hải cho biết thêm, sau sự kiện APEC tổ chức thành công tại Việt Nam vừa qua, sự quan tâm, chú ý của nhà đầu tư ngoại vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. Do đó, đây là cơ hội thuận lợi để chúng ta bán cổ phần của DN Việt Nam ra thị trường ở mức giá hấp dẫn hơn.

Ông Phạm Hồng Hải lưu ý, bên cạnh giá bán hấp dẫn thì cơ chế bán, tỷ lệ sở hữu cổ phần cũng rất quan trọng để hoạt động thoái vốn, CPH DNNN đạt được hiệu quả tốt nhất về giá, đồng thời cũng thu hút được những nhà đầu tư phù hợp. 

Quyết liệt tái cơ cấu

Để hoạt động thoái vốn, CPH DNNN có sự bứt phá trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hoạt động tái cơ cấu kinh tế, trong đó có tái cơ cấu DNNN phải quyết liệt hơn nữa. DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, “lời ăn lỗ chịu”. Những DN thua lỗ thì cho phá sản, không để tốn thêm nguồn lực đổ vào cứu những dự án kém hiệu quả. Đặc biệt, cần dứt khoát trong việc xử lý nghiêm những bên liên quan gây ra các dự án, DN thua lỗ nhằm tăng kỷ luật thị trường.

Ông Cung cũng nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đã, đang và sẽ hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, do đó các DNNN hay DN tư nhân cũng phải quản trị theo chuẩn mực toàn cầu, theo hướng minh bạch thông tin.

“Nếu DN Việt Nam không áp dụng chuẩn mực quản trị quốc tế thì việc thoái vốn, CPH DNNN sau này rất khó. Nhà đầu tư sẽ không bao giờ bỏ vốn đầu tư vào những dự án, DN không tin cậy, thiếu minh bạch”, ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, khi giải quyết được nút thắt này thì hoạt động thoái vốn, CPH DNNN sẽ dễ dàng hơn, thay vì cứ loay hoay, chậm trễ như hiện nay.

Chuyên đề