Kiểm soát nợ công: Không lơ là nợ của doanh nghiệp

(BĐT) - Trong phiên chất vấn của Quốc hội ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nợ nước ngoài do doanh nghiệp (DN) tự vay, tự trả là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. 
Cần giám sát chặt chẽ các khoản vay nước ngoài của DN, nhất là kiểm soát các hiệp định vay, các điều khoản về thế chấp. Ảnh: Ngọc Kỳ
Cần giám sát chặt chẽ các khoản vay nước ngoài của DN, nhất là kiểm soát các hiệp định vay, các điều khoản về thế chấp. Ảnh: Ngọc Kỳ

Trao đổi với Báo Đấu thầu về nội dung này, GS. Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho rằng, cùng với việc kiểm soát nợ công, cần giám sát chặt chẽ nợ nước ngoài do DN tự vay, tự trả để tránh các tổn hại cho quốc gia.

Thưa ông, mặc dù nợ công đang được Chính phủ quản lý chặt chẽ song thực tế quy mô nợ vẫn tăng trong những năm qua. Ông bình luận gì về điều này?

Quy mô nợ công của Việt Nam tăng là do tốc độ vay nợ tiếp tục tăng nhưng chưa được xử lý triệt để vì tình trạng thâm hụt ngân sách. Điều này cho thấy cần xem xét, tăng cường các biện pháp kiềm chế nợ công một cách kiên quyết và bài bản. 

Kiểm soát nợ công: Không lơ là nợ của doanh nghiệp ảnh 1
GS. Nguyễn Quang Thái
Không chỉ nợ công, nợ quốc gia đang gây quan ngại với các khoản nợ do DN tự vay, tự trả. Quan điểm của ông là gì?

Trong nợ quốc gia, việc DN tự vay tự trả nợ là cần thiết trong cơ chế thị trường, dù đó là DN nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần giám sát các khoản vay nước ngoài của DN, của khu vực tư nhân, nhất là kiểm soát các hiệp định vay, các điều khoản về thế chấp. Đặc biệt, trong các thương vụ vay lớn có liên quan đến tài sản quốc gia hoặc liên quan đến các dự án đặt ở những vị trí quan trọng, Chính phủ phải kiểm soát thật chặt chẽ về tính khả thi để tránh gây thiệt hại dây chuyền.

Mặt khác, để góp phần kiểm soát nợ quốc gia, cũng cần chú trọng nợ của chính quyền trung ương vẫn đang ở mức rất cao. Do đó, chính quyền trung ương nên rất hạn chế vay mới nếu không thật cần thiết, còn lại phải tái cơ cấu các khoản thu chi để trả nợ ổn định.

Chính phủ cũng nên xem xét khả năng tự vay tự trả của chính quyền địa phương. Thực tế, chỉ có gần 1/3 số tỉnh, thành phố có khả năng cân bằng thu - chi và tiến tới cân bằng tốt, trong khi 2/3 các địa phương không thể tự lo thu đủ cho chi. Do đó, nếu địa phương không cân đối được thu chi ngân sách thì không nên để chính quyền tự vay tự trả tuỳ tiện, vì điều đó có thể sẽ dồn gánh nặng nợ lên Chính phủ và quốc gia nói chung. 

Có ý kiến cho rằng, nên kiềm chế nợ công bắt đầu từ tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

Nợ công thực chất là nợ chính phủ, bởi lẽ, nếu địa phương hay dự án được bảo lãnh không trả nợ được thì Chính phủ phải giải quyết. Muốn xử lý nợ công thì điều quan trọng nhất là tiết giảm chi tiêu, đặc biệt tuân thủ nghị quyết của Bộ Chính trị chỉ đạo cơ cấu lại thu chi ngân sách để trả nợ và nợ nước ngoài được an toàn.

Điều đáng chú ý là quyết toán ngân sách nhà nước các năm khi trình Quốc hội thường chênh lệch rất lớn, cao hơn đến khoảng 30% so với số dự toán ban đầu cách đó 2 năm. Điều này cho thấy kỷ luật ngân sách không nghiêm, tức là thu chi không hợp lý và cần cơ cấu lại cả thu và chi.

Tôi không tán thành cách xử lý “tăng thu giảm chi”. Đối với các khoản thu ngân sách nhà nước ảnh hưởng nhiều tới đời sống cư dân thì nên điều chỉnh giảm, thậm chí không thu, những khoản cần thu thì phải thu triệt để và quyết liệt chống thất thoát, đồng thời phải khoan thư sức dân để nuôi dưỡng nguồn thu.

Mặt khác, phải cơ cấu lại nguồn chi ngân sách nhà nước. Những khoản không thực sự cần chi thì không chi, dành ưu tiên hơn cho các khoản chi về an sinh xã hội, giáo dục, y tế và cải thiện điều kiện sống của người dân. Cần xem xét kỹ các dự án đầu tư, thậm chí cho phép điều chỉnh đầu tư công khi phát hiện những cơ hội mới để sửa đổi danh mục đã được duyệt “cứng” trong 5 năm, nếu hiệu quả không cao thì xem xét không thực hiện. Chi thường xuyên cũng nên tiếp tục tiết giảm mạnh mẽ. 

Trong tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển vẫn ở mức khiêm tốn 26%, trong khi chi thường xuyên chiếm hơn 60%. Theo ông, có nên “siết” chi thường xuyên không?

Nhiều người muốn tăng chi đầu tư phát triển nhưng thực tế rất khó khả thi. Các khoản chi của ngân sách nhà nước bao gồm đầu tư, trả nợ (cả viện trợ) và chi thường xuyên. Trong tổng chi, chi trả nợ không giảm được, chi thường xuyên còn ở mức quá cao và khó giảm, muốn tăng chi đầu tư phát triển thì cân đối ngân sách không khả thi.

Do đó, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước nên chăng bắt đầu từ việc sắp xếp lại thứ tự ưu tiêu theo hướng chi đầu tư - tức là chi cho tương lai - phải để ở vị trí thứ nhất, chi trả nợ là nghĩa vụ phải thực hiện nên ở vị trí thứ hai. Tỷ trọng các khoản chi này còn dưới 50%, còn chi thường xuyên phải đặt ở vị trí ưu tiên thứ ba. Nếu làm như vậy thì ngân sách nhà nước có thể cân đối bền vững và nợ công có thể kiểm soát được tốt hơn.

Chuyên đề