Không tạo đặc quyền cho VAMC trong đấu giá

(BĐT) - Quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang đón nhận nhiều ý kiến khác nhau. 
VAMC đang nắm giữ hơn 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi
VAMC đang nắm giữ hơn 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Nhã Chi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm, việc đưa nội dung VAMC vào Dự án Luật không tạo ra cơ chế đặc thù cho công ty này.

Quy định đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của VAMC trong Dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang khiến nhiều người băn khoăn. Có đại biểu Quốc hội viện dẫn, việc quy định xử lý nợ xấu tại Dự án Luật là chưa phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về nội dung này. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là có một số đại biểu Quốc hội chia sẻ rằng, đưa nội dung VAMC vào Dự án Luật sẽ dần hình thành sự ưu đãi cho VAMC. Quan điểm của cá nhân tôi cho rằng, việc đưa nội dung VAMC vào Dự án Luật sẽ không ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch, càng không tạo ra cơ chế đặc thù gì cho công ty này. Bản thân VAMC đã có cơ chế đặc thù khi được thành lập. Mục đích của VAMC là làm cho nợ xấu của các tổ chức tín dụng giảm xuống.  Dự án Luật Đấu giá tài sản có quy định cho phép VAMC được quyền tổ chức phiên đấu giá tài sản mà không cần phải thông qua một tổ chức trung gian nào. Quy định này được coi là giải pháp cho VAMC xử lý nợ xấu.

Không tạo đặc quyền cho VAMC trong đấu giá ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Kiên
Đấu giá tài sản thường gắn với nhiều tiêu cực như thông đồng, dìm giá làm thất thoát tài sản nhà nước. Theo ông, Dự án Luật đã giải quyết được những phát sinh tiêu cực làm méo mó hoạt động đấu giá tài sản?

Tiêu cực hiện giờ nhìn vào bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể dễ dàng nhận ra. Chúng ta cũng không thể kỳ vọng với một đạo luật mà có thể ngăn chặn được các hành vi tiêu cực. Đặc biệt, theo Dự án Luật, tài sản bán đấu giá sẽ ngày càng mở rộng hơn nhiều so với trước. Cụ thể, đó là tài sản thi hành án, tài sản của cơ quan nhà nước, tài sản cá nhân, nợ xấu, tài sản đảm bảo…

Khi xây dựng Luật Đấu giá tài sản, Ban soạn thảo đã cố gắng tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc nằm ở khâu nào. Đồng thời, nhận định, tiêu cực sẽ phát sinh nhiều ở loại tài sản nào để đưa ra quy định điều chỉnh. Đây là luật khung cho hoạt động đấu giá tài sản. Do đó, Luật sẽ xây dựng trình tự quá trình bán đấu giá, quy định cụ thể những hành vi bị cấm, những điều không được làm khi tổ chức đấu giá. Trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật, Ban soạn thảo cũng ghi nhận nhiều đóng góp có giá trị trong việc tăng cường chế tài, có biện pháp mang tính phòng ngừa đối với những tiêu cực khi tổ chức đấu giá. 

Ông đánh giá thế nào trước nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa hình thức hoạt động của doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản?

Theo quy định của Luật Đầu tư, ngành nghề bán đấu giá tài sản được xác định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Dự án Luật quy định doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp doanh là không trái với quy định của Hiến pháp và phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Riêng tôi cho rằng, các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản hiện nay của chúng ta đang tồn tại, hoạt động theo dạng cung cấp dịch vụ công bán đấu giá tài sản. Chúng ta cần khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này với sự đa dạng và phong phú về hình thức, đó có thể là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH. Ngoài ra, cần hướng tới mục tiêu ai đáp ứng đủ điều kiện thì có thể tham gia vào lĩnh vực này.

Chuyên đề