Không hoàn thuế nếu doanh nghiệp vi phạm luật?

(BĐT) - Ngày 22/3, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường để cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Quản lý thuế. Dự thảo Luật đưa ra quy định không hoàn thuế GTGT đối với một số trường hợp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đề xuất không hoàn thuế GTGT nếu doanh nghiệp vi phạm luật. Ảnh: Lê Tiên
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đề xuất không hoàn thuế GTGT nếu doanh nghiệp vi phạm luật. Ảnh: Lê Tiên

Cụ thể, Dự thảo Luật đưa ra quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động. 

Đảm bảo đồng bộ giữa các luật

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu vấn đề, một số ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, Luật Thuế GTGT và Luật Quản lý thuế mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung tại Luật số 71/2014/QH13, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 và Luật Thuế TTĐB sửa đổi đến ngày 01/01/2016 mới có hiệu lực thi hành, nay Chính phủ tiếp tục đề nghị sửa đổi là chưa thực sự hợp lý, dẫn đến thiếu ổn định trong chính sách về thu ngân sách.

Tuy nhiên, từ năm 2018, Việt Nam tham gia và thực hiện đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN, theo đó thuế suất thuế nhập khẩu từ ASEAN sẽ về 0%. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế là cần thiết.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế vẫn bám sát mục tiêu đồng bộ với các pháp luật có liên quan, trong đó có Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Cụ thể, có ý kiến ĐBQH cho rằng, việc quy định không hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khi chưa đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện kinh doanh trong quá trình hoạt động là chưa bảo đảm tính công bằng, khách quan và hợp lý.

Giải trình về nội dung này, ông Hiển nhấn mạnh, theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp thì 02 hành vi về thực hiện dự án đầu tư nêu trên là hành vi bị cấm. Quy định này nhằm bảo đảm minh bạch về vốn, lành mạnh hoá các hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Do đó, để đồng bộ với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, đồng thời để quản lý chặt chẽ, lành mạnh hoá các hoạt động kinh tế thì việc bổ sung quy định không hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp doanh nghiệp vi phạm này là cần thiết. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ nội dung này như Dự thảo Luật. 

Hoàn thuế để khuyến khích doanh nghiệp

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc không điều chỉnh lại số thuế GTGT đã hoàn cho các trường hợp trong quá trình đầu tư, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục tiêu thành đầu tư trường học, bệnh viện, vệ sinh, môi trường, vì sẽ dẫn đến lợi dụng chuyển đổi mục đích đầu tư để được giữ lại số thuế đã được ngân sách nhà nước hoàn.

Trước đề nghị này, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đề nghị bỏ quy định này trong Dự thảo Luật. Đồng thời, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật, có khó khăn do nguyên nhân khách quan, đề nghị Chính phủ rà soát, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương thực hiện đúng, đủ các chính sách ưu đãi với những doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi mục đích đầu tư sang các lĩnh vực mà Nhà nước đang khuyến khích theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề