Khó hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa năm 2018

(BĐT) - Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa (CPH) ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. 
Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Ảnh: Đức Khiêm
Theo kế hoạch, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Ảnh: Đức Khiêm

Tuy nhiên, mới chỉ có 5 doanh nghiệp hoàn thành CPH trong 5 tháng đầu năm. Theo Bộ Tài chính, việc triển khai CPH và thoái vốn còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đề ra.

Cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra chậm chạp

Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018, mới chỉ có 5 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị doanh nghiệp là 8.752 tỷ đồng. Trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 3.131 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 211 tỷ đồng; đấu giá công khai 1.371 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 38 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng.

Kế hoạch nêu trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017.

Về tình hình thoái vốn, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 1 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn. Lũy kế từ năm 2017 đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn). Các doanh nghiệp đã thoái được 1.469 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2018, thu về 3.973 tỷ đồng. 

Mất nhiều thời gian định giá doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc CPH, thoái vốn DNNN đang diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp có quy mô rất lớn, lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, sẽ thực hiện CPH trong năm nay. Thứ hai, nếu như trước đây có thể điều chỉnh lại sổ sách kế toán thì theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ, khi xác định giá trị doanh nghiệp thì không điều chỉnh sổ sách kế toán. Vì vậy, buộc các doanh nghiệp phải xử lý tài chính, lập phương án sử dụng đất đai trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Và đây là 2 quá trình tốn rất nhiều thời gian.

Bộ Tài chính cho biết, để đẩy nhanh tiến độ CPH, thoái vốn, cần phải có biện pháp về hành chính, biện pháp mạnh để các doanh nghiệp phải đảm bảo thực hiện CPH theo kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì các doanh nghiệp báo cáo các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn.

Tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, diễn ra vào ngày 28/5, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần thúc đẩy tiến trình CPH các doanh nghiêp nhà nước một cách quyết liệt như đã và đang thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, cắt bỏ “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh thời gian qua.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nếu được như vậy, động lực phát triển tại các doanh nghiệp sẽ được khơi dậy và tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó thúc đẩy tốc độ và cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.

Chuyên đề