Huy động nhiều nguồn lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia

(BĐT) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2018, nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt trên 59.795 tỷ đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng (trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội), ngành ngân hàng đã thực hiện đầu tư tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc.

Cụ thể, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai 20 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến 31/12/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.000 tỷ đồng (9,3%) so với năm 2017, với gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch năm 2018.

Thông qua hệ thống các tổ chức tín dụng, nguồn vốn của ngành ngân hàng đã góp phần thúc đẩy thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2018, dư nợ tín dụng tăng thêm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn các xã ước đạt 267.634.309 tỷ đồng. Đây là phần vốn của ngành ngân hàng đã được bổ sung cho vay trong năm, và được tính vào phần vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, công tác huy động nguồn lực đã được chú trọng ngay từ khâu lập kế hoạch thực hiện các chương trình, trong đó nguồn ngân sách trung ương được cân đối bố trí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính có tính lan tỏa và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để nhân rộng. Các địa phương đã chú trọng dành nguồn lực cân đối từ ngân sách địa phương bố trí vốn đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định. Các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng liên kết và khuyến khích doanh nghiệp được hoàn thiện, là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Về tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến tháng 11/2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình trong cả nước là 651,8 tỷ đồng. Con số này đã giảm tới 4.298,6 tỷ đồng so với tháng 1/2018 và giảm khoảng 96% so với tổng số nợ 15.218 tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016. Như vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, hầu hết các địa phương đã nỗ lực xử lý xong nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, cơ bản hoàn thành tiến độ theo Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội.   

Chuyên đề