Hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 5,74%

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến 31/5/2019, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,74% so với cuối năm 2018. Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá.
Tín dụng với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Ảnh: Tường Lâm
Tín dụng với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Ảnh: Tường Lâm

Cụ thể, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%. Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%. Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%. Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông,...).

Với phương châm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, ngành Ngân hàng đã triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết của Chính phủ về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp. Mọi cải cách thủ tục hành chính thực chất là các giải pháp nhằm tăng thêm khả năng tiếp cận tín dụng và các dịch vụ tiền tệ ngân hàng đối với doanh nghiệp và người dân trong toàn bộ quy trình, điều kiện, thủ tục vay vốn và cung ứng dịch vụ tiền tệ ngân hàng.

Về lãi suất, trong bối cảnh ngày càng nhiều yếu tố gây áp lực tăng lãi suất, NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ổn định các mức lãi suất điều hành; chỉ đạo các TCTD rà soát, cân đối tài chính, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện cho phép trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính.

Về tỷ giá, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Thị trường tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Chuyên đề