Hậu thoái vốn, lợi nhuận Vinaconex giảm 61%

(BĐT) - Sau đợt thoái vốn đình đám vào cuối tháng 11/2018, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) báo sụt giảm lợi nhuận cả năm 2018 lên đến 61% so với năm 2017. Đây sẽ là thử thách cho nhóm cổ đông mới tại doanh nghiệp từng là đầu ngành xây dựng của cả nước.
Vinaconex điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về 0%. Ảnh: Nhã Chi
Vinaconex điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về 0%. Ảnh: Nhã Chi

Lợi nhuận giảm đột biến

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 Vinaconex vừa công bố, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm tích cực là các chi phí phát sinh trong kỳ như chi phí tài chính, chi phí quản lý được tiết giảm đáng kể. Chi phí bán hàng tăng nhưng không quá nhiều. Hoạt động liên doanh, liên kết mang về cho Vinaconex 35 tỷ đồng trong quý IV/2018, tăng 6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, hoạt động khác mang về cho Vinaconex gần 50 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV/2018, trong khi cùng kỳ năm trước Tổng công ty lỗ gần 3 tỷ đồng.

Kết quả, Vinaconex ghi nhận 636 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế năm 2018, giảm 61% so với năm 2017. Tương ứng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 chỉ đạt 1.122 đồng.

Tại thời điểm cuối quý IV/2018, tổng tài sản của Vinaconex đạt 20.083 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng tồn kho chiếm 3.477 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng 4.213 tỷ đồng, tương đương đầu năm. Nợ vay của Vinaconex hiện chiếm hơn 3.700 tỷ đồng, tương đương gần 20% cơ cấu nguồn vốn của Tổng công ty.

Giữa tháng 11 năm ngoái, ngay trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá thoái vốn 79% cổ phần của Vinaconex do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp này đã bất ngờ được điều chỉnh về mức 0%. Qua đó khiến cho 2 cổ đông ngoại là Quỹ Pyn Elite Fund và VNM ETF không thể mua thêm cổ phiếu VCG và phải tiến hành bán ra số lượng cổ phiếu đang nắm giữ.

Sau đợt thoái vốn, các cổ đông lớn của Vinaconex hiện gồm: Công ty TNHH An Quý Hưng (sở hữu 57,71% vốn điều lệ), Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (sở hữu 21,28% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (sở hữu 7,57% vốn điều lệ).

Room ngoại sẽ trở về 49%

Hội đồng quản trị (HĐQT) Vinaconex vừa phê duyệt chương trình Đại hội đồng cổ đông về việc thay đổi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, Vinaconex sẽ loại bỏ các ngành nghề kinh doanh quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 0%. Đồng thời sửa đổi ngành nghề kinh doanh có lĩnh vực quy định tỷ lệ sở hữu của khối ngoại là 0% hoặc chưa xác định.

Vinaconex cho biết, đây là những ngành mà Tổng công ty không còn hoạt động hoặc chưa bao giờ kinh doanh, mặc dù có đăng ký hoạt động như buôn bán xăng dầu, xuất khẩu lao động... Sau khi thực hiện sửa đổi, giới hạn room ngoại của Vinaconex sẽ trở về mức 49%.

Cùng với sự xuất hiện của cổ đông mới, cơ cấu HĐQT và Ban Kiểm soát của Vinaconex cũng đã có nhiều thay đổi. Theo đó, ngày 11/1/2019, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 của Vinaconex đã bầu ra 7 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH An Quý Hưng, trở thành tân Tổng giám đốc và người đại diện công bố thông tin. Bên cạnh đó, một thành viên khác được cho rằng có liên quan tới “nhóm” cổ đông An Quý Hưng là ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Vihajico) - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ecopark, đã trở thành Chủ tịch HĐQT của Vinaconex.

Trước đó, HĐQT Vinaconex cũng đã bổ nhiệm ông Đặng Thanh Huấn giữ chức vụ Kế toán trưởng kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế hoạch thuộc Tổng công ty. Thời hạn bổ nhiệm đối với ông Huấn là 5 năm kể từ ngày 23/1/2019.

Chuyên đề