Hành xử đúng với nợ công

(BĐT) - Nợ công dù vẫn chưa vượt trần, nhưng không phải là sớm khi lo lắng về khả năng vỡ nợ nếu cứ “vung tay quá trán”, vay mà không tính đến trả. Chừng nào giữa vay và trả chưa có ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm với chế tài xử lý đủ mạnh, thì việc sử dụng vốn vay còn chưa hiệu quả và khả năng vỡ nợ vẫn là một nguy cơ lớn của nền kinh tế. 
Đồng hồ nợ công toàn cầu ghi nhận nợ công của Việt Nam đến ngày 13/5 là gần 95 tỷ USD
Đồng hồ nợ công toàn cầu ghi nhận nợ công của Việt Nam đến ngày 13/5 là gần 95 tỷ USD

Thời điểm nhạy cảm của nợ công

Theo Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016, nợ công của Việt Nam năm 2015 chiếm 62,2% GDP.

Nhận định về con số nợ công, báo cáo chuyên đề về nợ công của CTCP Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, năm 2016 là “thời điểm nhạy cảm của nợ công”. Theo Báo cáo, dự báo thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 sẽ làm tăng nợ công thêm khoảng 2,1% GDP, tổng nợ công năm 2016 ước tính tương đương 64,3% GDP, gần chạm tới ngưỡng trần nợ công (65%) theo Chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020. Ràng buộc này sẽ khiến Chính phủ không còn nhiều dư địa để tiếp tục đẩy tỷ lệ nợ công/GDP lên mức cao hơn trong những năm sau đó, gây áp lực lớn trong việc hoạch định các nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng giai đoạn 2017 - 2020. Các khoản bảo lãnh vay nợ của Chính phủ và phát hành nợ của chính quyền địa phương có thể bị thu hẹp trong giai đoạn 2016 - 2020. Báo cáo này cũng dự báo, theo kịch bản cơ sở, tổng nợ công sẽ chạm trần 65% GDP ngay trong năm 2017.

Còn theo số liệu tại Đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist, đến thời điểm 15 giờ 15 phút ngày 13/5/2016, tổng nợ công của Việt Nam là gần 95 tỷ USD, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh 1.039 USD nợ của đất nước. Con số này năm 2015 là hơn 86 tỷ USD và gần 956 USD. Như vậy, sau hơn 5 tháng đầu năm 2016, tổng nợ công của Việt Nam tăng thêm 9 tỷ USD và mỗi người dân gánh thêm 83 USD tiền nợ công.

Gắn trách nhiệm vay nợ với trả nợ

Bộ Tài chính đánh giá, các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số này không nói lên sự an toàn của nợ công, bởi vì quan trọng là chúng ta đang sử dụng vốn vay ra sao, khả năng trả nợ như thế nào.

Nguyên tắc thông thường, một anh làm ăn giỏi có thể đi vay 10 tỷ đồng và trả nợ tốt, một anh làm ăn kém chỉ vay 1 tỷ đồng vẫn có nguy cơ không trả được nợ. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, nếu vay 10 đồng làm ra 15, 20 đồng thì không có vấn đề gì phải lo lắng. Nhật Bản hiệu quả sử dụng vốn cao, kiểm soát tham nhũng tốt, nợ công 200% GDP không sao, nhưng nhiều nước nợ công 30% GDP đã có nguy cơ vỡ nợ. Vấn đề chính là cách hành xử đúng với nợ công, cách giải quyết khi nợ công ở mức nguy hiểm.

Theo số liệu tại Đồng hồ nợ công toàn cầu trên trang The Economist, đến thời điểm 15 giờ 15 phút ngày 13/5/2016, tổng nợ công của Việt Nam là gần 95 tỷ USD, trung bình mỗi người dân Việt Nam hiện đang gánh 1.039 USD nợ của đất nước. Con số này năm 2015 là hơn 86 tỷ USD và gần 956 USD. Như vậy, sau hơn 5 tháng đầu năm 2016, tổng nợ công của Việt Nam tăng thêm 9 tỷ USD và mỗi người dân gánh thêm 83 USD tiền nợ công
Nhóm nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Bảo Việt đưa ra hàng loạt các giải pháp như là “lối ra” cho vấn đề nợ công, đó là phải tăng cường kỷ luật tài khóa, gia tăng công tác quản lý và kiểm soát đối với các khoản chi từ NSNN. Chính phủ sẽ khó có thể tiếp tục gia tăng tỷ lệ huy động/GDP cho NSNN, do tỷ lệ này đang ở mức cao và đã gia tăng mạnh trong mấy năm vừa qua. Giải pháp chính giúp kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công trong thời gian tới đó là kiểm soát chi. Thực tế là tỷ trọng chi thường xuyên trong NSNN đang ở mức rất cao, chiếm đến 82% tổng chi trong năm 2015, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% trong năm 2010. Điều này phản ánh thực tế là công tác kiểm soát chi thường xuyên còn lỏng lẻo, khiến số liệu quyết toán ngân sách thường cao hơn nhiều do với số liệu dự toán. Bên cạnh đó, nhiều khoản chi còn mang tính cấp phát, không có nghĩa vụ hoàn trả, hay chi phí sử dụng vốn thấp đã khiến đối tượng hưởng thụ không có động lực để sử dụng vốn một cách có hiệu quả nhất, gây lãng phí NSNN.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, phải đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công khi nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách có thể bị hạn chế từ năm 2017 (do tỷ lệ nợ công đã tiến sát trần). Đồng thời, đẩy mạnh vay nợ trực tiếp, thu hẹp các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và các khoản vay của chính quyền địa phương. Việc này giúp công tác quản lý nợ công mang tính tập trung và hiệu quả hơn, tránh hiện tượng tự phát hoặc “lách rào” của các địa phương.

Đặc biệt, trong chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề nợ công đã nêu rõ phải gắn trách nhiệm vay nợ với trả nợ. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, gắn trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, sử dụng vốn với trách nhiệm trả nợ. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới cơ chế cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm của người vay lại; đồng thời xây dựng cơ chế huy động vốn vay IBRD (Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế)/OCR (vốn vay thông thường) để tạo bước đệm khi chuyển đổi phương thức huy động vốn vay ODA, vay ưu đãi sang vay theo điều kiện thị trường sau khi Việt Nam tốt nghiệp IDA.

Chuyên đề