Hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro

(BĐT) - Tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức tương đương cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng lãi suất ổn định là kết quả tích cực từ công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cơ quan này định hướng, mở rộng tín dụng có kiểm soát, hạn chế phân bổ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
3 tháng đầu năm 2019, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Ảnh: Tiên Toàn
3 tháng đầu năm 2019, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Ảnh: Tiên Toàn

Tín dụng với lĩnh vực ưu tiên tăng khá

Tại cuộc họp báo thông tin về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng quý I năm 2019, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, 3 tháng đầu năm nay, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đến ngày 25/3/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm, 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Về tín dụng cho từng lĩnh vực cụ thể, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho biết, đến 25/3/2019, tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng 2,78% của cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá so với cuối năm 2018. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. 

Mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ là chính sách mang tính ngắn hạn, phải căn cứ vào diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để có những điều chỉnh phù hợp. “Các giải pháp điều hành của NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát. Điều hành tín dụng vẫn là nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng theo phương châm vẫn là mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả", bà Hồng nói.

Đánh giá về tác động từ diễn biến trên thị trường quốc tế với công tác điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới, bà Hồng chia sẻ: "Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng không tăng lãi suất năm 2019 với đồng USD nên sẽ không quá áp lực với điều hành chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi kinh tế thế giới giảm tốc, đặc biệt là các nền kinh tế lớn, cũng sẽ có thể có những tác động tới xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Do đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN luôn theo sát những diễn biến này. Từ đó, nắm bắt yếu tố tích cực cũng như bất lợi để có thể đánh giá thực trạng thị trường, đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp, đạt được mục tiêu đặt ra".

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, 2019 cũng là năm NHNN đưa ra lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ, điều này sẽ tạo lập cơ sở vững chắc cho thị trường ngoại tệ không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động về cho vay ngoại tệ. Thời gian vừa qua, các giải pháp của NHNN đều hướng tới thu hẹp hoạt động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo đúng chủ trương của Chính phủ chuyển dần quan hệ tiền gửi cho vay sang quan hệ mua bán...

Trên cơ sở các mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và triển vọng kinh tế vĩ mô, tiền tệ, trong những tháng tới đây, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Quy mô tín dụng vẫn được xác định ở mức khoảng 130% GDP, tương đương với con số của năm 2018.

Để thực hiện được mục tiêu này, NHNN đặt ra một số giải pháp trọng tâm. Đó là, tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở nhằm điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Đáng chú ý, cơ quan này khẳng định, công tác điều hành tín dụng luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng tổ chức tín dụng để định hướng tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Chuyên đề