HAIC kinh doanh bết bát, ngập trong nợ nần

(BĐT) - Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC) lần đầu tiên công bố tình hình sản xuất kinh doanh và thực trạng tài chính. Báo cáo tài chính năm 2016 và bán niên 2017 của HAIC vẽ lên bức tranh ảm đạm về hoạt động của doanh nghiệp này.
Tại thời điểm cuối năm 2016, lỗ lũy kế của HAIC là 26,2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Tại thời điểm cuối năm 2016, lỗ lũy kế của HAIC là 26,2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Kinh doanh không có lãi nhiều năm

Theo bản công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2017, HAIC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và được thành lập vào tháng 5/2010. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 15 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh bất động sản, máy móc thiết bị, ô tô, phụ tùng...

Theo báo cáo kết quả kinh doanh giai đoạn 2013 - 2016, doanh thu của HAIC liên tục sụt giảm và không có lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu trong giai đoạn này lần lượt là 4 tỷ đồng (năm 2013), 0,75 tỷ đồng (năm 2014), 0,74 tỷ đồng (năm 2015) và 0,82 tỷ đồng (năm 2016). Tương ứng với doanh thu, lợi nhuận trước thuế giai đoạn này là âm 1,9 tỷ đồng, âm 2,9 tỷ đồng, âm 1,3 tỷ đồng và âm 2,9 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh thất vọng như vậy, lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2016 của HAIC là 26,2 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của Công ty chỉ đạt 40,9 triệu đồng, bằng 5% so với nửa đầu năm 2016; lợi nhuận trước thuế âm 0,79 triệu đồng (cùng kỳ năm trước là âm hơn 2,9 tỷ đồng). Như vậy, lỗ lũy kế của HAIC tại thời điểm cuối quý II/2017 là khoảng 27 tỷ đồng. Trong năm 2017, HAIC đặt kế hoạch 15 tỷ đồng doanh thu và không đưa ra dự kiến về lợi nhuận.

Từ năm 2012 trở lại đây, HAIC gặp rất nhiều khó khăn. Những tồn tại lớn về tài chính và năng lực yếu kém dẫn đến Công ty không có vốn để đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, sử dụng đất của HAIC chưa hiệu quả, gây lãng phí, dẫn đến việc nợ tiền thuê đất của Nhà nước nhiều năm liền. Đặc biệt là vướng mắc liên quan về tài chính và tính pháp lý xung quanh Dự án B5 Cầu Diễn (Bộ Công an đang tiến hành khởi tố, điều tra các cán bộ của Công ty có liên quan đến những sai phạm của Dự án). Bên cạnh đó, Công ty và đơn vị tư vấn cũng chưa thể hoàn tất việc xác định giá trị doanh nghiệp để triển khai các bước tiếp theo của kế hoạch cổ phần hóa.
HAIC cho biết, Công ty đang trong hoàn cảnh khó khăn khi các khoản nợ thuế, nợ tiền thuê đất từ nhiều năm trước không có nguồn thanh toán dẫn đến toàn bộ tài khoản bị phong tỏa, hóa đơn bị cưỡng chế vì không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; cán bộ công nhân viên không có việc làm, tiền lương và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động chưa được giải quyết kịp thời. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã khởi kiện Công ty do nợ bảo hiểm xã hội từ năm 2012 đến nay. Vì vậy, HAIC đã gửi văn bản đến UBND TP. Hà Nội để có đề xuất lên Thủ tướng cho phép Công ty được sử dụng một số đơn vị sản xuất để góp vốn thành lập công ty cổ phần nhằm giải quyết khó khăn và tạo công ăn việc làm cho người lao động. 

Báo động con số nợ

Kinh doanh thua lỗ không phải nỗi lo duy nhất của HAIC. Cơ cấu nguồn vốn bị mất cân đối của doanh nghiệp này cũng là điều đáng quan ngại. Tại thời điểm cuối năm 2016, tổng nợ phải trả của Công ty là hơn 303,7 tỷ đồng, chiếm tới 94,6% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 301 tỷ đồng và được tài trợ chủ yếu bằng vay nợ với 208 tỷ đồng (chiếm 69% tổng nợ ngắn hạn). Với việc vay nợ như vậy, hệ số khả năng thanh toán hiện tại của Công ty ở mức 0,67. Điều này cho thấy, trong trường hợp Công ty bán hết tài sản ngắn hạn (tài sản có khả năng thanh khoản cao nhất) cũng không thể trả hết các khoản nợ ngắn hạn.

Đáng chú ý, do kinh doanh thua lỗ nhiều năm, vốn chủ sở hữu của HAIC tại thời điểm đầu năm 2016 là âm 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, Công ty đã nhận được thêm hơn 48,4 tỷ đồng vốn góp từ các đối tượng ngoài Nhà nước giúp vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối quý II/2017 đạt mức gần 43,5 tỷ đồng.

Chuyên đề