Gỡ khó cho trái phiếu doanh nghiệp

(BĐT) - Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một trong số ít cách thức hiệu quả để giải cơn khát vốn trung và dài hạn cho DN. Để huy động được vốn theo cách thức này, chủ thể phát hành hoặc đã xây dựng được niềm tin rất lớn trên thị trường hoặc phải công khai, minh bạch thông tin cặn kẽ. Khi điều này còn xa tầm với của nhiều DN thì kênh huy động vốn trên hẳn không dành cho số đông.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2018, giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 111,2% GDP. Trong đó, thị trường cổ phiếu đạt 71,9% GDP, thị trường trái phiếu đạt hơn 39% GDP (trái phiếu chính phủ đạt hơn 27% GDP và TPDN đạt 8,6% GDP).

Theo ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường chứng khoán bởi quy mô thị trường chứng khoán còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực và thị trường TPDN chưa thực sự phát triển.

Chỉ ra một số nguyên nhân khiến thị trường TPDN vẫn ì ạch trong những năm qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: “DN hiện chưa thực sự quan tâm tới việc phát hành TPDN mà vẫn quen sử dụng vốn ngân hàng. Bản thân DN vẫn chưa đáp ứng đủ điều kiện để phát hành trái phiếu khi việc công bố thông tin, báo cáo tài chính của DN còn chưa minh bạch, rõ ràng”.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: chưa xuất hiện các nhà đầu tư chiến lược, mang tính dài hạn đầu tư vào TPDN, kể cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ; tính thanh khoản của TPDN chưa cao; chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN để nhà đầu tư xem xét quyết định đầu tư vào TPDN; cơ sở dữ liệu, thông tin tập trung về TPDN chưa đầy đủ nên các nhà đầu tư mới chỉ tập trung vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.

Bắt đầu từ công khai, minh bạch

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ thông tin, một yếu tố được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường TPDN là Luật Chứng khoán sửa đổi đang được xây dựng với các nội dung tạo điều kiện tốt hơn cho DN phát hành trái phiếu và minh bạch hơn để bảo vệ nhà đầu tư.

Nói rõ hơn về nội dung này, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính thuộc Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi tách bạch rất rõ việc phát hành TPDN ra công chúng và phát hành TPDN riêng lẻ.

Cụ thể, phát hành TPDN ra công chúng bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm và phải niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đối với phát hành TPDN riêng lẻ, điều kiện có thể “lỏng” hơn so với phát hành TPDN ra công chúng nhưng việc phát hành chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy thị trường công cụ nợ này phát triển là hoạt động của các công ty định mức tín nhiệm. Song đến nay, nỗ lực xây dựng thị trường này dường như vẫn giậm chân tại chỗ dù Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đã ra đời từ cách đây 4 năm. Thời gian qua, nhiều DN đã phát hành TPDN mà không cần có định mức tín nhiệm.

Một số chuyên gia cho rằng, để TPDN trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, đặc biệt cho DN tư nhân, thì cần phải phát triển các công ty định mức tín nhiệm. Nhà đầu tư mua TPDN cần được biết định mức tín nhiệm của DN phát hành nhằm hạn chế rủi ro.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) lại có góc nhìn khác khi cho rằng: “Chúng ta nên để cơ chế thoáng hơn về việc này, tức là, có thể để thị trường với những nhà đầu tư chuyên nghiệp tự định giá rủi ro của DN trước khi quyết định mua trái phiếu. Điều quan trọng và trước tiên là DN phải đảm bảo tính công khai, minh bạch”.

Trong khi đó, việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) để tăng tính công khai, minh bạch về quản trị và điều hành DN đã được đề cập đến từ nhiều năm trước, song đến nay vẫn chưa được nhiều DN thực thi. Liên quan đến điều này, tại một hội thảo gần đây, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam từng nói: “DN có thực sự muốn minh bạch hay không khi đang vướng vào sở hữu chéo, hay “mắc mớ” với các DN có liên quan? Bức tranh về tình hình của các DN sẽ ra sao khi áp dụng IFRS?”.   

Chuyên đề