Giá vàng sẽ về đâu trong năm 2016?

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với những diễn biến đã được ghi nhận trong năm 2015 cho thấy, giá vàng đang lùi dần khỏi vị trí “độc tôn” mà nó đã chiếm lĩnh kể từ năm 2008.
Có ngân hàng bi quan cho rằng ngưỡng 800 USD/ounce sẽ được thiết lập vào cuối năm 2016.
Có ngân hàng bi quan cho rằng ngưỡng 800 USD/ounce sẽ được thiết lập vào cuối năm 2016.

Sẽ rớt hạng khi FED tăng lãi suất

Trong năm 2015, vì sự đồn đoán Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất nên đã khiến giá vàng không thể vượt quá ngưỡng mà nó đã yên vị từ năm 2014. Thậm chí, có những lúc giá vàng còn “dò đáy” liên tục hàng tháng trời.

Nếu xét trong 10 tháng năm 2015, có thể nhận thấy giai đoạn đánh dấu sự tỏa sáng của kim loại quý này chính là vào tháng 3 khi chỉ số giá luôn nằm ở ngưỡng xanh với mốc cao nhất là 1.204 USD/ounce, kế đến là trung tuần tháng 5 với giá đạt ngưỡng đỉnh của năm là 1.22,5 USD/ounce, sau đó là màu đỏ ảm đạm kéo dài suốt mấy tháng trời (tháng 6, 7/2015) và đã có lúc xuống tận đáy trong trung tuần tháng 9, khi ngưỡng bán luôn vượt ngưỡng mua đã khiến cho tuần 19/7 mức giá của vàng nằm dưới đáy sâu trong suốt mấy năm trở lại đây (1.085,6 USD/ounce) khiến cho nhiều người hoài nghi về độ phục hồi của nó trong ngắn hạn. Tuy nhiên, như một phép màu, việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ đã hỗ trợ cho giá vàng có những phiên thăng hoa trong 2 tuần liên tiếp (từ 3/8 – 19/8) và đạt ngưỡng cao nhất so với trung tuần tháng 7 là 1159,6 USD/ounce (tăng tới 4,2%).

Trong tuần đầu tháng 10/2015, giá vàng lại tiếp tục nhận được lực hỗ trợ do các số liệu tiêu cực mới từ kinh tế Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã công bố số liệu cho thấy sự thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới trong tháng 8/2015 là 48,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước. Đồng thời, thị trường vàng vẫn hy vọng vào khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED nên đã khiến cho các nhà đầu tư có niềm hy vọng vào giá vàng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chiến sự ở vùng Syria cũng là một trong những nguyên nhân chính kéo giá dầu tăng cũng đã khiến cho cặp bài trùng “vàng – dầu” cùng tiến. Theo giới phân tích, các hoạt động mua tất toán trạng thái khống và sự trở lại của các nhà giao dịch Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tuần lễ vàng đã giúp kim loại quý tăng giá trở lại trong đầu tháng 10 vừa qua; sau 5 phiên liên tiếp cùng tiến, chốt phiên giao dịch ngày 9/10, giá vàng đã tiến thẳng đến ngưỡng 1.155,40 USD/ounce, tăng 0,97% so với ngày hôm trước và đây là sự phục hồi không hề nhẹ, kể từ đáy 1.103,50 của ngày 6/9/2015.

Tính đến ngày 14/10/2015, giá vàng giao ngay tăng thêm từ 1.155 USD/ounce lên 1.160 USD/ounce, giá vàng giao tháng 12/2015 của Mỹ cũng tăng 90 cent lên 1.165,4 USD/ounce. Sở dĩ giá vàng được hỗ trợ chủ yếu nhờ những quan điểm bi quan về thời điểm FED sẽ nâng lãi suất trong năm nay. Giá vàng đã tăng gần 5% kể từ sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 9/2015 đáng thất vọng, khiến thị trường mất niềm tin vào kế hoạch nâng lãi suất vào cuối năm nay của FED.

Ngược với đà tăng của vàng, đôla Mỹ đã xuống đáy 3,5 tuần so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới. Nguyên nhân là doanh số bán lẻ trong nước thấp hơn dự kiến và chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm đã hạ thấp khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất năm nay. "Số liệu bán lẻ Mỹ đã xóa tan mọi yếu tố hỗ trợ USD, khiến đồng tiền này mất giá mạnh và nhà đầu tư lại đổ xô vào vàng", Naeem Aslam – trưởng bộ phận phân tích tại Ava Trade cho biết, "Các số liệu về niềm tin tiêu dùng cho thấy người Mỹ đang ghìm chi tiêu lại. Việc này đã khiến kỳ vọng nâng lãi suất cùng lùi lại theo". Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường châu Á về mùa cưới và lễ hội ở Ấn Độ cũng đã hỗ trợ cho giá vàng trong nửa đầu tháng 10.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, trong tương lai ngắn hạn, giá vàng không thể tiến xa hơn ngưỡng 1.200 USD/ounce mà nó đã thiết lập qua một vài lần “hiếm hoi” trong năm 2015. Mặc dù việc tăng lãi suất của FED vẫn chưa có cơ sở chắc chắn.

Theo Reuter ngày 10/10/2015 cho biết, FED vẫn có kế hoạch tăng lãi suất trong năm nay, nhưng không cam kết chắc chắn. Vì trong cuộc họp vào ngày 9/10/2015 vừa qua, có hai hoạch định chính sách dự trữ liên bang cho thấy thông điệp của Chủ tịch FED (Janet Yellen) hé mở ra rằng, việc tăng lãi suất có thể sẽ tiến hành vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, trong buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình CNBC trong tuần vừa qua, đồng minh thân cận của Yellen là Dudley lại cho rằng đó chỉ là “một dự báo và chúng ta sẽ nhận được rất nhiều dữ liệu từ nay đến tháng mười hai. Vì vậy, nó không phải là một sự cam kết".

Còn ông Charles Evans – Trưởng chi nhánh của FED tại Chicago lại cho rằng, thời điểm thích hợp để tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra vào giữa năm 2016. Nhận định này dựa trên cơ sở trong tháng 9/2015 vừa qua, các ngân hàng trung ương đã tổ chức họp khi xảy ra việc Trung Quốc và một số nơi bị bất ổn thị trường tài chính và giá cả hàng hóa giảm.

Và hầu hết các đại diện ngân hàng đều đồng ý cho rằng, mức lạm phát hiện nay ở ngưỡng 1,3% là thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2% của FED. Thêm vào đó là sự thất vọng về chỉ số thất nghiệp gia tăng đã khiến các nhà đầu tư buộc phải giảm giá, do đó xác suất để tăng trưởng trong tháng 12 có khả năng chỉ đạt 40% so với dự báo...

Do đó, việc kỳ vọng vào quyết định tăng lãi suất của FED vào cuối năm 2015 là khá mong manh vì FED sẽ cần phải theo dõi sức mạnh của người tiêu dùng trong vài tuần tới, để quyết định xem có nên tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ vừa qua hay không. Nhưng tình trạng lạm phát thấp như vậy cũng sẽ làm kìm hãm giá vàng tăng, vì thông thường lạm phát tăng cao thì nơi trú ẩn mà các nhà đầu tư hướng tới mới là loại hàng hóa đặc biệt này.

Thêm vào đó, mặc dù mùa lễ hội ở Ấn Độ đã tới nhưng nhu cầu vàng ở đây không mạnh như những dự đoán của giới chuyên gia. Đánh giá về tình hình tiêu thụ vàng trong mùa lễ hội, ông Afshin Nabavi, Trưởng bộ phận giao dịch ở MKS (Switzerland) SA cho biết: “Chúng tôi thấy nhu cầu là khá ổn ở Ấn Độ trước Lễ hội mùa thu nơi đây. Tuy nhiên, nhu cầu đã không lớn như chúng tôi nghĩ trước đó”. Vì lượng cung dư hơn cầu nên mặc dù vào chính hội, giá vàng cũng không thể vượt mốc 1.190 USD/ounce.

Robin Bhar, trưởng bộ phận nghiên cứu kim loại ở Societe Generale, nhận định rằng, Lễ hội mùa thu năm nay có thể sẽ không khuyến khích người mua nhiều như năm ngoái. Vì người mua năm ngoái hăng hái mua hơn do giá giảm mạnh ở thời điểm đó. Thứ hai, đợt gió mùa năm nay đã gây hại nhất định cho mùa màng ở Ấn Độ, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Thứ Ba, hầu hết các hạn chế nhập khẩu vàng của Ấn Độ vẫn còn nên đây là những điểm bất lợi khiến cho kim loại quý này khó có thể tăng.

Dự báo về giá vàng trong năm 2016, hầu hết các ngân hàng đều đã hạ mức dự báo của mình, có ngân hàng còn bi quan khi cho rằng ngưỡng 800 USD/ounce sẽ được thiết lập vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, nếu thực sự FED tăng lãi suất thì ngưỡng giảm của giá vàng rất có khả năng sẽ rơi xuống ngưỡng 850 - 900 USD/ounce.

Thị trường vàng trong nước “vắng khách”

Trong suốt năm 2015, mặc dù giá vàng trong nước có đôi lúc giảm “lạc điệu” so với giá vàng thế giới nhưng nhìn chung là vẫn bắt nhịp với sự tăng/giảm của toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là sự chênh lệch, giãn rộng biên độ so với giá vàng thế giới vẫn được thiết lập và duy trì trong suốt mấy năm qua. Và năm 2015, biên độ này vẫn được nới khá rộng với khoảng cách từ 2,8 – 4,2 triệu đồng/lượng. Chính vì biên độ chênh lệch lớn cộng với thái độ “độc quyền” tại các cửa hàng vàng nên người dân không còn “mặn mà” với việc tích trữ vàng SJC.

Thực tế năm 2015 cho thấy, khi giá vàng lên, người dân cũng không tranh nhau bán, mà khi giá hạ xuống “đáy” trong vòng 5 năm qua, họ cũng không “mặn mà” đi mua. Nhiều người cho rằng, với thời điểm hiện nay, đầu tư vào kim loại quý này là kênh đầu tư mang lại nhiều rủi ro vì: thứ nhất, nếu chính sách độc quyền vàng của ngân hàng thay đổi, thuận theo giá thế giới thì người dân cầm vàng sẽ là người thiệt thòi nhất. Thứ hai, do tình trạng “độc quyền” nên việc mua thì dễ mà việc bán lại quá khó khăn.

Đơn cử, miếng vàng SJC còn nguyên đai, nguyên kiện cũng có khả năng bị trừ tiền nếu người dân không chú ý miếng sứt do nhà sản xuất gây ra. Đặc biệt là lỗi trừ này khá nặng, lên tới 200.000đ/lượng. Cũng chính do sự “độc quyền” này nên khách đến mua thì được cửa hàng khá “cưng chiều”, còn khách đem vàng đến bán sẽ có tâm trạng bất an vì ngoài sự chênh lệch về giá mà nơm nớp lo không biết vàng của mình mang đến bán có được chấp nhận và trừ nhiều không. Có trường hợp, người dân phải đi tới 5 cửa hàng vàng mới bán được chỉ vì miếng vàng bị sứt từ khi được khai sinh.

Do đó, lượng vàng SJC được giao dịch thành công trong năm 2015 không nhiều, đa số các giao dịch thành công phần lớn nằm ở đồ trang sức do vào mùa cưới, người Việt Nam vẫn có thói quen tặng đồ trang sức cho cô dâu chú rể làm của hồi môn. Chính vì vậy, kể từ đầu tháng 9, mặc dù giá vàng thế giới giảm, giá vàng SJC trong nước giảm nhưng giá vàng trang sức có dấu hiệu tăng. Và mức tăng trong tháng 10 đạt ngang ngửa giá vàng SJC như nhẫn P.L.P.T, Kim Thần tài đạt tới 3.392 đồng/chỉ (giá bán ra), giá nhẫn H.T.V và các đồ nữ trang cũng tăng mạnh so với tháng trước khoảng hơn 200.000 đ/chỉ.

Đến nay, vẫn chưa có dự báo cho giá vàng trong nước nhưng theo những diễn biến thực tế trong năm 2015, có thể thấy rằng, nếu không có những động thái mới, biên độ chênh lệch với giá vàng thế giới vẫn được nới rộng như những năm qua thì thị trường vàng trong nước sẽ còn “yên ắng”. 

Chuyên đề