Được định giá gần 4.000 tỷ đồng, Hapro có gì?

(BĐT) - UBND TP. Hà Nội vừa phê duyệt giá trị doanh nghiệp (DN) cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tại thời điểm ngày 1/7/2016 với giá trị DN xác định lại là 4.000 tỷ đồng, giá trị DN theo sổ sách kế toán là 3.557 tỷ đồng. 
Hapro nắm trong tay nhiều khu đất đắc địa tại trung tâm Hà Nội. Ảnh: Đăng Định
Hapro nắm trong tay nhiều khu đất đắc địa tại trung tâm Hà Nội. Ảnh: Đăng Định

Hiện không có thông tin về việc Hapro được định giá theo phương pháp nào. Đáng chú ý, mặc dù đang quản lý rất nhiều đất vàng, có lợi thế kinh doanh lớn tại Hà Nội nhưng Hapro lại kinh doanh không hiệu quả.

Lợi nhuận đi xuống

Hapro được thành lập năm 2004, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con với trên 40 đơn vị thành viên. DN hoạt động trong 2 lĩnh vực chính là kinh doanh xuất khẩu và thương mại nội địa. Hapro có vốn điều lệ lên tới 2.300 tỷ đồng cùng với hệ thống phân phối nằm ở những vị trí đắc địa tại trung tâm Hà Nội như Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Cát Linh, Hàng Trống, Hàng Đậu, Thuốc Bắc… Thêm nữa, Hapro sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như nhà hàng Thủy Tạ, gốm Chu Đậu, Nhà máy Sản xuất xúc xích Việt Đức…

Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2015 và báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất của Hapro lại vẽ lên một bức tranh không mấy sáng sủa. Hiệu quả kinh doanh thể hiện xu hướng đi xuống.

Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2014, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Hapro là 6.153 tỷ đồng và 371 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, những con số này là 4.870 tỷ đồng (giảm 20%) và chỉ còn vỏn vẹn 41 tỷ đồng (giảm tới 9 lần). Năm 2016, Công ty đạt gần 70 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Bước sang năm 2017, DN này lên kế hoạch lợi nhuận gần 33 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa năm 2016. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu thuần (ROS) năm 2016 và ước thực hiện năm 2017 lần lượt là 1,58% và 0,7%. Như vậy, cứ 10 đồng doanh thu thì Hapro chỉ thu về vỏn vẹn 0,15 đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2016 và dự kiến năm 2017 chỉ là 0,07 đồng. 

Sở hữu nhiều đất vàng

Năm 2015 và 2016, Hapro đã thực hiện thoái vốn tại nhiều công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ và một số công ty nắm giữ cổ phần chi phối.

Theo kế hoạch Hapro sẽ vẫn giữ nguyên tỷ lệ nắm giữ tại các công ty con sở hữu nhiều đất vàng. Trong số đó, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Tràng Thi đang quản lý tới 42 khu đất (phần lớn là đất thuê trả tiền hàng năm) tại Hà Nội. Ngoài những khu đất có diện tích nhỏ nằm ở những vị trí đắc địa trong trung tâm Hà Nội, Công ty Thương mại Dịch vụ Tràng Thi còn đang nắm giữ một số khu đất có diện tích lớn như Dự án Trung tâm thương mại số 10B Tràng Thi diện tích 1.800 m2; Dự án 47 Cát Linh rộng 2.163 m2, trong đó, Công ty sẽ phải bàn giao 1.000 m2 đất giáp mặt Cát Linh để xây trụ sở UBND quận Đống Đa. phần còn lại được chấp thuận đầu tư dự án (hợp tác với Công ty CP Đầu tư Xây dựng NHS); khu đất vàng 2.098 m2 tại số 12 - 14 Tràng Thi.

Một thương hiệu tên tuổi khác được Hapro giữ lại cổ phần chi phối là Công ty CP Thủy Tạ với thương hiệu kem Thủy Tạ đứng thứ 3 về thị phần, lớn hơn Vinamilk, Tràng Tiền và chỉ đứng sau Kido, và Unilever. Ngoài ra công ty này cũng nắm giữ quỹ đất “khủng” ở những khu vực đắc địa ở Hà Nội như: số 459 Bạch Mai có diện tích 2.091 m2 được sử dụng để triển khai dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên và để bán, khu đất số 253 và 249 Phố Vọng có tổng diện tích 3.246,8 m2... Ngoài ra Thủy Tạ cũng nắm giữ nhiều khu đất nhỏ khác rải rác khắp Hà Nội.

Hapro đang hoàn tất các thủ tục để thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư giàu kinh nghiệm tại Hà Nội cho biết, mặc dù sở hữu không ít đất vàng nhưng sức hấp dẫn của cổ phiếu Hapro lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn tỷ lệ bán ra, nếu quá ít thì cũng không hấp dẫn vì không tạo ra sự thay đổi về quản trị, nhà đầu tư bên ngoài vào cũng không chi phối được DN, khó cải thiện hiệu quả kinh doanh. Hoặc thời điểm đấu giá và giá bán không phù hợp cũng không thể tạo nên sức hút với nhà đầu tư.

Chuyên đề