Đua phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất bị đẩy lên mức kỷ lục

Nhằm tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, khoảng vài tháng nay, một số ngân hàng đã tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến hơn 9%/năm...
Nhằm tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, khoảng vài tháng nay, một số ngân hàng đã tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến hơn 9%/năm (ảnh minh họa).
Nhằm tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, khoảng vài tháng nay, một số ngân hàng đã tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến hơn 9%/năm (ảnh minh họa).

Chứng chỉ tiền gửi đẩy lãi suất lên hơn 9%/năm

Vài tháng gần đây, lãi suất huy động VND kỳ hạn ngắn có vẻ khá êm ả, nằm gọn trong mức quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất huy động kỳ hạn dài lại tăng nhanh. Nhiều ngân hàng tung ra thị trường chứng chỉ tiền gửi với lãi suất rất cao, có nơi lên đến gần 9%/năm.

Trong đó phải kể đến gói sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tại đây, khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên.

Hay tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), ngân hàng này phát hành chứng chỉ trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm.

Điều đáng nói, không phải các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài như Sacombank từ 5 năm đến 7 năm, mà có ngân hàng như Việt Á chỉ kỳ hạn từ 6 -18 tháng đã hưởng lãi suất 6,9 - 8,2%/năm. Cũng tại ngân hàng này, không chỉ thời hạn được kéo ngắn xuống, mệnh giá chứng chỉ cũng được kéo xuống cơ nơi chỉ còn từ 1 triệu đồng/chứng chỉ.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần như: DongABank hay SCB thậm chí áp dụng lãi suất rất hấp dẫn đối với kỳ hạn ngắn từ 1 - 4 tháng với lãi suất 5,4% - 5,5%/năm. Mức từ 6 - 9 tháng có lãi suất lên tới 6,9%/năm.

Trước đó, VPBank là ngân hàng công bố huy động lãi suất kỳ hạn 5 năm lên đến 9,2%/năm. Mức 8,2% cho đến trên dưới 9%/năm là cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây.

Tăng vốn trung và dài hạn

Việc một số ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao như trên khiến nhiều người lo ngại một cuộc đua lãi suất huy động đã bắt đầu, đặc biệt trong bối cảnh Fed vừa tăng lãi suất. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research), việc Fed nâng lãi suất sẽ ít ảnh hưởng đến lãi suất VND trong thời điểm này. Lãi suất VND phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố nội tại của Việt Nam mà một yếu tố quan trọng là thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tín dụng trong tháng đầu năm đã tăng nhanh hơn huy động, cụ thể tăng trưởng tín dụng tháng 1/2017 là 1,75%, cao nhất 5 năm còn huy động, giảm 1,6%, thấp nhất 5 năm. Nếu tín dụng và huy động tiếp tục lệch pha kéo dài, hệ quả tất yếu là thanh khoản giảm và lãi suất sẽ tăng.

Các yếu tố khác ảnh hưởng đến lãi suất là lạm phát và nhập siêu cũng đang tăng. CPI tháng 2 tăng 0,69% kể từ đầu năm (cao hơn cùng kỳ) còn nhập siêu của 2 tháng là 800 triệu USD (cùng kỳ xuất siêu 675 triệu USD). Do đó, theo khuyến nghị từ SSI Research, chính sách tiền tệ nên tiếp tục giữ theo hướng cân bằng tăng trưởng tín dụng với huy động dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá.

Khảo sát thị trường cho thấy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần Nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5 - 6,8%/năm với các kỳ hạn dài, còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7 - 7,5%/năm, nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8%/năm - 8,2%/năm.

Một số chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm mục đích hút nguồn vốn dài hạn để vừa đảm bảo thanh khoản vừa cơ cấu lại dòng vốn của mình. Thay vì việc không được thanh toán trước hạn, để thu hút người mua, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào.

Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trên đã được các ngân hàng xin phép Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM cho hay, theo quy định của Thông tư số 06/2016, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng tại TPHCM đang gần chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, vì thế, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn.

Chuyên đề