Đưa báo cáo tài chính tiếp cận chuẩn quốc tế

(BĐT) - Bộ Tài chính đang xây dựng lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho các doanh nghiêp (DN) Việt Nam trong thời gian tới, nhất là các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Xu hướng tất yếu

Việc áp dụng IFRS được cho là sẽ giúp các DN niêm yết quản trị tốt hơn rủi ro tài chính, đồng thời tăng mức độ hấp dẫn của thông tin với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán thuộc Bộ Tài chính, áp dụng IFRS là xu hướng tất yếu và cấp bách với các DN Việt Nam hiện nay, nhất là các DN niêm yết, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu. Bộ Tài chính sẽ lên lộ trình để áp dụng chuẩn mực này trong năm nay. Nhưng theo ước tính, nhanh nhất cũng phải đến năm 2018 thì các DN Việt Nam mới chính thức áp dụng IFRS, trước hết là các DN niêm yết.

“Điều cốt lõi là các DN Việt Nam phải hiểu được IFRS và việc áp dụng tại Việt Nam phải có những quy định phù hợp, có căn cứ pháp lý để thực hiện, đảm bảo tính đồng nhất, chẳng hạn như khối DN niêm yết. Bộ Tài chính sẽ lên kế hoạch tập huấn cho các DN áp dụng IFRS, phân tích những tình huống cụ thể với DN Việt Nam nên áp dụng như thế nào, Bộ sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể” - ông Hùng cho biết.

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới đã có 117 quốc gia áp dụng IFRS cho báo cáo tài chính của các DN niêm yết, trong đó có 87 quốc gia đã áp dụng hoàn toàn đầy đủ. Và giới chuyên gia đến từ Ban Báo cáo tài chính của Viện Kế toán công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) hy vọng Việt Nam sẽ sớm là quốc gia thứ 118 chính thức tham gia triển khai áp dụng IFRS.

Tăng tính minh bạch

Giới chuyên gia nhận định, khi Việt Nam tiến dần đến việc thừa nhận và áp dụng cơ chế báo cáo dựa trên chuẩn IFRS, thị trường cũng cần có những điều chỉnh để thích ứng. Việt Nam nên tham gia cộng đồng các quốc gia áp dụng IFRS bằng việc áp dụng nguyên vẹn bộ Chuẩn mực IFRS, bởi những lợi ích đem lại cho nền kinh tế. IFRS sẽ tạo ra sự minh bạch, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt khoảng cách thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty.

Trước băn khoăn của các DN về phát sinh chi phí kiểm toán khi áp dụng IFRS, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán cho rằng, tuy chưa có đánh giá về chi phí kiểm toán sẽ tăng bao nhiêu nhưng sẽ tăng. Mặc dù vậy, lợi ích lâu dài mà các DN thu được sẽ nhiều hơn là chi phí bỏ ra.

Ông Vinh cũng khẳng định, hiện nay khuôn khổ pháp lý về việc áp dụng IFRS tại Việt Nam chưa hoàn thiện, Bộ Tài chính chỉ mới lên lộ trình, chỉ khi nào có đủ cơ sở pháp lý thì mới được công nhận, sẽ xác định rõ đối tượng DN nào thì bắt buộc áp dụng, DN nào thì khuyến khích áp dụng.

Trên thực tế, việc triển khai áp dụng IFRS tại Việt Nam được cho là sẽ có những thách thức nhất định, do đây là một khuôn khổ chuẩn mực chi tiết và phức tạp. Nó đòi hỏi sự nỗ lực của các DN niêm yết để bảo đảm có đội ngũ nhân lực phù hợp nhằm hỗ trợ việc chuẩn bị báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Hơn nữa, việc có được một khung giám sát và tuân thủ mạnh mẽ là điều quan trọng để bảo đảm áp dụng thành công IFRS tại Việt Nam trong tương lai.

Chuyên đề