Dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng mạnh!

Lượng nợ xấu các nhà băng đã bán cho VAMC đến cuối năm 2015 đạt hơn 243.000 tỷ đồng, vì thế, khoản dự phòng rủi ro được đánh giá sẽ tăng mạnh trong năm nay, một phần do tiến trình xử lý nợ xấu chưa thể đẩy nhanh, trong khi khoản dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt sẽ tăng 20% năm đối với các khoản nợ xấu đã bán.
Năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro
Năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 nghìn tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro

Trả lời cổ đông về tiến trình xử lý nợ xấu của Eximbank, bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó tổng giám đốc ngân hàng này cho biết, đến nay, Eximbank đã xử lý được 1.200 tỷ đồng nợ xấu, đã thu hồi được 950 tỷ đồng. Trong đó, có 300 tỷ đồng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Kế hoạch xử lý nợ xấu trong năm 2016 là 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, khoản dự phòng rủi ro đã bào mòn lợi nhuận của Eximbank trong quý đầu năm nay. Cụ thể, lãi sau thuế của Eximbank chỉ đạt vỏn vẹn 24 tỷ đồng trong quý I/2016, tương đương gần 6% cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo tài chính quý I/2016 Eximbank vừa công bố, tổng tài sản của Ngân hàng là 122.221 tỷ đồng, giảm 2,1% so với thời điểm đầu năm. Khoản mục lỗ lũy kế chưa phân phối tính đến 31/3/2016 còn hơn 793,5 tỷ đồng. Tổng số nợ xấu cuối quý I là 2.300 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2015, chiếm 2,78% tổng dư nợ cho vay, trong khi đó tỷ lệ này tại thời điểm cuối năm trước chỉ ở mức 1,85%.

Theo giải trình của ngân hàng này, nguyên nhân là do từ năm 2016, theo định kỳ hàng quý, Eximbank phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trên cơ sở dồn tích. HĐQT Eximbank cho biết, thay vì các năm trước dự phòng tăng mạnh vào cuối năm, năm nay, Ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro ngay từ quý đầu năm 2016 để giảm áp lực.

Không chỉ Eximbank, nợ có khả năng mất vốn của nhiều nhà băng đã tăng trong quý đầu năm nay. BIDV vẫn đang là ngân hàng đứng đầu về tổng số nợ xấu với con số lên tới hơn 11.000 tỷ đồng đến cuối quý I/2016, trong số này chiếm một nửa là nợ có khả năng mất vốn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2016 của BIDV, tỷ lệ nợ xấu của đơn vị này ở mức 1,8%, cao hơn mức 1,67% hồi cuối năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là nợ nghi ngờ tăng 879 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, lên mức 1.766 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn tăng 465 tỷ đồng, lên mức 5.565 tỷ đồng.

Trong quý I/2016, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV cũng tăng mạnh lên gần 2.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ, khiến kết quả lợi nhuận giảm 10% so với quý I năm trước. Tương tự, hai ông lớn ngân hàng còn lại (Vietcombank, Vietinbank), tỷ lệ nợ xấu cũng có gia tăng, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức cao.

Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank tăng lên 1,84% và trong gần 7.600 tỷ đồng nợ xấu có đến 77% thuộc nợ nhóm có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank tính đến 31/3/2016 là 0,96%, trong số hơn 5.300 tỷ nợ xấu này thì cũng có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của cả 3 ngân hàng trên trong quý đầu năm nay cũng chỉ đạt khoảng 4% so với cuối năm 2015, không phải là quá cao.

Trong nhóm các ngân hàng cổ phần, nợ có khả năng mất vốn của một số ngân hàng cũng tăng mạnh và dự kiến dự phòng tăng ảnh hưởng đến lợi nhuận năm nay. ACB cho biết, đến 31/3/2016, tín dụng tăng trưởng 6%, và cho đến nay tăng trưởng 7,2%. Trong quý I/2016, lợi nhuận trước trích lập dự phòng của ACB xấp xỉ 600 tỷ đồng, Ngân hàng đã tạm trích lập 200 tỷ đồng.

Nếu xử lý tốt nhóm nợ 6 công ty của “bầu” Kiên, ACB có khả năng lớn hoàn thành kế hoạch 1.503 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đưa ra cho năm nay. Tuy nhiên, ngân hàng nãy cũng đã tiên liệu kế hoạch xấu nhất và dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỷ đồng cho nợ của nhóm 6 công ty này trong năm 2016.

Theo nhận định từ các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc xử lý nợ xấu chưa thể kỳ vọng đẩy nhanh tiến độ trong năm nay. Đồng thời, nếu cho vay tăng trưởng “nóng” thì khả năng gia tăng nợ xấu càng cao và càng về sau, các ngân hàng sẽ càng phải trả giá cho việc cho vay ồ ạt khi nợ xấu tích tụ qua thời gian.

Theo số liệu về nợ xấu mới nhất mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tính đến cuối tháng 3/2016, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào cuối năm 2015, cho dù trong thời gian qua, với sự nỗ lực của VAMC và bản thân các tổ chức tín dụng ngoài việc bán nợ cho VAMC, đã tự khắc phục và thu hồi các khoản nợ kéo tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%.

Theo số liệu thống kê, năm 2015, các ngân hàng đã phải chi khoảng 75.000 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng theo TS. Bùi Quang Tín, Khoa quản trị - kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM, năm 2016, gánh nặng lớn của các ngân hàng vẫn là chi phí dự phòng rủi ro. Ngoài trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu trong sổ sách, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro cho gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm tại VAMC khiến lợi nhuận giảm.

Chuyên đề