Doanh nghiệp có nguy cơ mất hàng ngàn tỷ đồng vì biến động tỷ giá

Ham vay ngoại tệ với lãi suất rẻ nhưng lại không sử dụng các công cụ bảo hiểm tỷ giá khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất hàng ngàn tỷ đồng vì biến động tỷ giá sau sự kiện Anh rời EU (Brexit).   
Bảng Anh mất giá khiến các đơn hàng xuất khẩu sang Anh sẽ rẻ hơn, các doanh nghiệp hưởng lợi. Ảnh: Đ.T
Bảng Anh mất giá khiến các đơn hàng xuất khẩu sang Anh sẽ rẻ hơn, các doanh nghiệp hưởng lợi. Ảnh: Đ.T

Vay ngoại tệ: Khóc với yên Nhật, cười cùng euro

Tác động của Brexit tới thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có Việt Nam vẫn chưa dừng lại khi đồng yên Nhật và USD tiếp tục đi lên, trong khi bảng Anh và euro đang trong xu hướng đi xuống, còn đồng nhân dân tệ (NCY) đang tiếp tục mất giá. Với những biến động này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và vay ngoại tệ chịu ảnh hưởng khác nhau, có doanh nghiệp hưởng lợi, song cũng có doanh nghiệp thiệt hại tiền tỷ. 

Bấy lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ quan tâm đến USD, song trong số những đồng tiền biến động hậu Brexit, USD khá ổn định, còn yên Nhật lại tăng vọt và tác động đáng kể đến kinh tế nước ta. Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, đồng yên tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay khiến chi phí vay nợ của Chính phủ và của doanh nghiệp tăng lên đáng kể. 

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, với Brexit, đồng yên có khả năng tăng giá tiếp 11,7%. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp vay vốn ODA từ Nhật Bản lại… ngồi trên đống lửa.

Một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc yên Nhật tăng giá là Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Theo số liệu của PPC, tính đến cuối năm 2015, công ty này vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản 4.360 tỷ đồng, thực hiện bằng đồng yên. Các chuyên gia tính toán, nếu yên Nhật tiếp tục tăng giá thêm 11%, khoản lỗ tỷ giá của PPC có thể lên tới hơn 1.000 tỷ đồng trong năm nay.

Tình trạng của PPC cũng là nỗi khổ chung của nhiều doanh nghiệp vay vốn bằng yên Nhật và các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ Nhật Bản..

Ngược lại, đồng euro giảm giá lại khiến các doanh nghiệp vay bằng euro thở phào, tiêu biểu là các doanh nghiệp trong ngành xi măng, điện như Công ty Nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Xi măng Hà Tiên… 

Bảo hiểm rủi ro tỷ giá: Tiếc bát, mất mâm

Ngoài tác động đến các khoản vay, việc các đồng tiền chủ chốt trên thế giới biến động cũng tác động đáng kể đến doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nếu euro, bảng Anh mất giá, các đơn hàng xuất khẩu sang EU và nước Anh (thanh toán bằng euro, bảng Anh) sẽ rẻ hơn, giúp các doanh nghiệp hưởng lợi. Ngược lại, nếu thanh toán bằng USD, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ trở nên đắt đỏ hơn, khó cạnh tranh hơn.

Tương tự, với các đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, việc yên Nhật tăng giá giúp các doanh nghiệp nhận thanh toán bằng đồng yên hưởng lợi, trong khi chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu lại tăng lên. Chưa kể, tới đây, do ảnh hưởng của Brexit, nếu Trung Quốc phá giá sâu đồng nhân dân tệ, tác động đối với các doanh nghiệp sẽ sâu rộng hơn, nhiều chiều hơn.

“Bảng Anh và euro giảm giá trong khi các đồng tiền khác tăng lên, gồm cả tiền đồng khiến xuất khẩu nước ta bất lợi. Tuy nhiên, điều chúng ta phải dè chứng là phản ứng từ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, chắc chắn thị trường Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động không ngừng, việc dự đoán trước biến động tỷ giá để lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch là rất khó với doanh nghiệp. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải có biện pháp phòng ngừa biến động tỷ giá. Điều nghịch lý là, hiện nay, dù rất chuộng vay USD để tận dụng lãi suất rẻ, song nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến bảo hiểm tỷ giá.

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB cho hay, tại Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu có nguyên tắc bất di bất dịch là bảo hiểm rủi ro tài chính 70%, 30% còn lại có thể “đầu cơ” theo dự báo của chính mình. “Một khi đã bảo hiểm rủi ro tỷ giá, doanh nghiệp có nhiều thời gian để tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính, thay vì suốt ngày ngồi ‘canh’ biến động tỷ giá”, ông Trung nói.

Hiện các ngân hàng Việt Nam đã triển khai rất nhiều sản phẩm bảo hiểm rủi ro tỷ giá, đặc biệt là nghiệp vụ mua bán ngoại tệ kỳ hạn. Song theo lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại, số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài.

Chuyên đề