Doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư tài chính thận trọng hơn

(BĐT) - Một số doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã công bố kết quả kinh doanh năm 2015 và đặt mục tiêu năm 2016. 
Doanh thu hợp nhất năm 2015 của Tập đoàn Bảo Việt ước đạt 20.807 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Doanh thu hợp nhất năm 2015 của Tập đoàn Bảo Việt ước đạt 20.807 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả kinh doanh khả quan năm 2015 đến từ sự phục hồi của nền kinh tế, mặt khác do các DNBH mạnh tay cắt bỏ các khoản đầu tư tài chính không hiệu quả, chuyển dịch danh mục sang lĩnh vực đầu tư an toàn.

Kinh doanh bảo hiểm có lãi

Theo công bố của Tập đoàn Bảo Việt (BVH), doanh thu hợp nhất năm 2015 ước đạt 20.807 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch, tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ 2014. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) hợp nhất ước đạt 1.465 tỷ đồng, bằng 101,8% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế (LNST) hợp nhất ước đạt 1.187 tỷ đồng, bằng 104,1% kế hoạch. Công ty mẹ hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận, LNST ước đạt 1.002 tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch năm. Tỷ suất LNST/vốn điều lệ của Công ty mẹ ước đạt 14,7%.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đóng góp đáng kể vào hoạt động của BVH. Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm từ lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6.471 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2014, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 5.881 tỷ đồng, tăng 4%; LNST đạt 279 tỷ đồng, hoàn thành 108,3% kế hoạch năm. Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 10.100 tỷ đồng, tăng 26,9% so với năm 2014; doanh thu khai thác mới đạt 2.309 tỷ đồng, tăng 23,2%.

Mặc dù quản lý tài sản giá trị lớn với tổng tài sản lên đến 31 nghìn tỷ đồng nhưng mảng kinh doanh quản lý quỹ của BVH chỉ mang lại lợi nhuận vỏn vẹn 18 tỷ đồng.

Tại Công ty CP Bảo hiểm Dầu khí (PVI), ông Phạm Khắc Dũng, Phó Tổng giám đốc cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của PVI ước đạt 9.336 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch năm; LNTT hợp nhất ước đạt 487 tỷ đồng, hoàn thành 111% kế hoạch năm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp PVI là DN dẫn đầu trong thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Năm 2015, tổng số tiền đầu tư tài chính của các DNBH ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014, trong đó DNBH phi nhân thọ là 36.406 tỷ đồng, DNBH nhân thọ là 116.137 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều DNBH đã mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm lên tới trên 6.000 tỷ đồng.

Với quy mô nhỏ hơn các DN đầu ngành, năm 2015 Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) đạt mức tăng trưởng khá cao. Tổng doanh thu phí bảo hiểm riêng Công ty mẹ đạt 1.476 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2014 (cao nhất trong 5 năm trở lại đây), hoàn thành 114% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.278 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2014. LNTT hợp nhất năm 2015 đạt 157 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014, hoàn thành 109% kế hoạch. Trong bối cảnh tỷ lệ bồi thường chung của thị trường tăng cao, BIC duy trì tỷ lệ bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại thấp hơn tỷ lệ chung toàn thị trường (42,2%), đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh.

Năm 2016, BIC đặt mục tiêu tăng trưởng tối thiểu 25% so với năm 2015, LNTT phấn đấu đạt 230 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2015. BIC chuẩn bị họp Đại hội cổ đông dời trụ sở chính từ Hà Nội vào TP.HCM và sẽ tập trung triển khai dự án chuyển giao kỹ thuật với đối tác chiến lược FairFax. Sau khi bán 35% cổ phần cho đối tác, tới đây 2 ghế HĐQT cũng sẽ được dành cho đại diện đến từ FairFax.

Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện cũng ước đạt kế hoạch kinh doanh năm 2015 ở mức cao. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt trên 2.480 tỷ đồng, đạt 117,83% kế hoạch, lợi nhuận từ đầu tư và hoạt động khác là 221,315 tỷ đồng, đạt 210% kế hoạch; tổng LNTT đạt 233 tỷ đồng, bằng 165%. 

Đầu tư tài chính thận trọng

Có thể thấy các DNBH đã tiến hành cơ cấu lại Danh mục đầu tư tài chính theo hướng thận trọng hơn. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính trước mắt có thể thấp nhưng đảm bảo an toàn dài hạn.

Theo bản tin của BVH, hoạt động đầu tư được thực hiện trên nguyên tắc an toàn thông qua việc linh hoạt bám sát diễn biến thị trường để cơ cấu Danh mục đầu tư phù hợp với xu hướng điều chỉnh lãi suất, hạn chế đầu tư vào các công cụ rủi ro. Tổng nguồn vốn đầu tư tại thời điểm 30/9/2015 là 43.411 tỷ đồng (giá trị đầu tư tính theo giá trị ghi sổ, không bao gồm dự phòng), tăng 3.331 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014.

Cơ cấu danh mục có sự dịch chuyển tỷ trọng từ tiền gửi sang trái phiếu, phù hợp với diễn biến chung của thị trường. Đầu tư vào trái phiếu tăng 4.298 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2014. Khoản mục đầu tư tài chính dài hạn khác chủ yếu là các khoản đầu tư vào công ty con và liên doanh, liên kết có sự dịch chuyển theo hướng giảm nhẹ. Theo đó, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết đạt 2.801 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5% danh mục đầu tư hợp nhất.

Công ty CP Bảo hiểm Bảo Minh (BMI), nhờ vào việc duy trì tái cơ cấu Danh mục đầu tư sang các loại tiền gửi có kỳ hạn dài và vào trái phiếu chính phủ, doanh thu hoạt động tài chính quý III/2015 đạt 126 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch, đồng thời chi phí giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp cho lợi nhuận gộp hoạt động tài chính của BMI đạt 97 tỷ đồng, ghi nhận khoản tăng ấn tượng 59% so với cùng kỳ, vượt 36% so với cả năm 2014.

Sự chuyển dịch cơ cấu danh mục đầu tư tài chính của các DNBH thể hiện rõ nhất qua con số đầu tư trở lại nền kinh tế. Số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm cho biết, năm 2015, tổng số tiền đầu tư tài chính của các DNBH ước đạt 152.543 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014, trong đó DNBH phi nhân thọ là 36.406 tỷ đồng, DNBH nhân thọ là 116.137 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều DNBH đã mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm lên tới trên 6.000 tỷ đồng.

Chuyên đề