Dịch vụ đòi nợ: Pháp lý tốt sẽ ít sai phạm

(BĐT) - Không vay cũng bị đòi nợ, bị quấy rối qua điện thoại vì nợ, bị bắt cóc người thân để đòi nợ… là những điểm nhức nhối của dịch vụ đòi nợ trong thời gian qua. Con nợ chây ì trong khi thủ tục pháp lý với dịch vụ đòi nợ phức tạp là một trong những lý do khiến chủ nợ muốn sử dụng những dịch vụ bất hợp pháp.
Tình trạng người đòi nợ thuê “khủng bố” người vay nợ diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Ảnh: Minh Tuệ
Tình trạng người đòi nợ thuê “khủng bố” người vay nợ diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Ảnh: Minh Tuệ

Nhiều vi phạm phức tạp

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động của các công ty tài chính với nội dung đáng chú ý là yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đôn đốc, thu hồi nợ và không thực hiện đòi người không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính tiêu dùng.

Từ phía Bộ Tài chính, cơ quan này cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ sửa đổi Nghị định 104/2007/NĐ-CP về dịch vụ này. Ban soạn thảo cho biết, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn xảy ra các vi phạm, đáng chú ý là những sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như có hành vi “khủng bố” với người vay nợ, nhân viên công ty đòi nợ có hành vi câu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ…

Quan sát lĩnh vực này trong thời gian qua, Luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận xét:, các quy định pháp luật cũng như quá trình thực thi và giải quyết các vụ án liên quan đến vay nợ bằng con đường dân sự còn quá phức tạp, thậm chí sau khi đã có bản án của tòa án thì phải qua quá trình thi hành án mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.

Chính vì vậy, khi đối tượng vay nợ không trả nợ, người cho vay không muốn sử dụng các biện pháp hợp pháp như khởi kiện ra tòa án dân sự để giải quyết, mà tìm đến dịch vụ đòi nợ thuê khiến loại hình dịch vụ này phát triển mạnh trong những năm qua.

Bình luận về động thái nhắc nhở của Ngân hàng Nhà nước qua công văn mới đây, Luật sư Cường chia sẻ: “Khi các đối tượng vay tiền không trả đúng hạn, đội ngũ đòi nợ của các ngân hàng, công ty tài chính cho vay sẽ liên hệ đến các số điện thoại mà người vay đăng ký khi vay để thúc trả nợ. Có nhiều trường hợp, số điện thoại được khai báo này lại không phải của người đi vay dẫn đến trường hợp người không vay cũng bị điện thoại đòi nợ”. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định: “Hành vi đòi nợ đối với người không có quan hệ vay nợ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người dân. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng là cần thiết”.

Trước những mặt tiêu cực của hoạt động đòi nợ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, nhiều ý kiến đề xuất nên hạn chế và quản lý thật chặt lĩnh vực này. Tuy nhiên, TS. Đặng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân lưu ý, một phần tiêu cực cũng là do nhiều người dân không hiểu rõ các nội dung của hợp đồng vay đã vội vàng ký, sau đó khó có khả năng trả nợ đúng hạn.

“Việc siết chặt hoạt động cho vay tiêu dùng là khó và không nên, bởi lẽ quyết định lựa chọn nguồn tài chính phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng là quyền của mỗi người dân. Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần kích cầu tiêu dùng cho nền kinh tế. Do đó, Nhà nước chỉ nên dừng ở mức độ khuyến cáo các công ty tài chính rà soát, kiểm soát rủi ro tín dụng, có giải pháp đánh giá đúng mức độ rủi ro của khoản vay để xác định lãi suất cho vay phù hợp, đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao dân trí về tài chính cho người dân”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Nên quản chứ không cấm

Trong khi hành lang pháp lý về dịch vụ đòi nợ tiếp tục được hoàn thiện, thì mới đây, UBND TP.HCM có kiến nghị cấm hoạt động của dịch vụ đòi nợ.

Không đồng tình với kiến nghị này, Luật sư Chu Mạnh Cường phân tích, mặc dù hoạt động này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về trật tự xã hội, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, song không nên vì khó quản lý mà cấm đoán. Thay vào đó, Nhà nước cần có những quy định pháp luật chặt chẽ hơn để quản lý loại hình dịch vụ đặc thù này.

Ông Cường cho biết thêm, quy định mới tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cho thấy rõ, khi đủ cơ sở chứng minh một người đi vay, đến hạn trả, có điều kiện trả mà cố tình không trả, là đã có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Khi đó, người cho vay có thể yêu cầu cơ quan công an xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với người đi vay.

“Khi đó, nếu người cho vay biết cách để thực hiện quyền của mình, các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình chây ì, không trả nợ mặc dù có đủ điều kiện trả nợ, thì chắc chắn nhu cầu của người dân sử dụng dịch vụ đòi nợ thuê cũng sẽ giảm đi và họ sẽ nhờ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật”, ông Cường nói.

Chuyên đề