Đề xuất ưu tiên xử lý nợ xấu thực hiện theo Nghị quyết

(BĐT) - Mặc dù trong 4 năm, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được hơn 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tuy nhiên quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện là một trong những nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra. Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang được kỳ vọng là một văn bản chuyên ngành nhằm xử lý triệt để, hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Ảnh: Tường Lâm
Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt. Ảnh: Tường Lâm

Khó khơi thông nguồn vốn vì nợ xấu

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 04 năm (từ 2012-2016), toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu đã góp phần giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên, ngành chiến lược theo định hướng tái cấu trúc nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2016, VAMC đã cùng với các TCTD xử lý được 50.139 tỷ đồng nợ xấu trong tổng số 245.924 tỷ đồng nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt.

Tuy  nhiên, quá trình xử lý nợ xấu đến nay cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu.

Đơn cử, Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hạn chế quyền mua, bán nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các chủ thể khác không phải là TCTD; pháp luật hiện hành cho phép được mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ... Các bất cập này cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD,VAMC.

Nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18). Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Ngoài ra, pháp luật về thuế, phí liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều quy định không hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Các vướng mắc pháp lý nêu trên hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như hình thức nghị quyết hoặc luật của Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh, nếu những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC không được xử lý thì có thể không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu của các TCTD. Không có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ VAMC, TCTD xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Thống nhất quy định về xử lý nợ xấu

Chính vì cách hiểu và thực thi pháp luật chưa thống nhất, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Theo đó, Nghị quyết về xử lý nợ xấu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội về xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC; khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Nghị quyết là một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu nhằm xử lý triệt để, hiệu quả nợ xấu của ngành ngân hàng. Các nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm cần được ưu tiên thực hiện theo quy định của Nghị quyết này. Ngoài ra, Nghị quyết cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để chọn lọc những kinh nghiệm hay, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Các quy định tại Nghị quyết nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, VAMC, đảm bảo quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD, VAMC cũng như thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu đảm bảo sự an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Theo Chính phủ, Dự thảo Nghị quyết gồm 18 Điều sẽ quy định cụ thể quyền chủ nợ và phát triển thị trường mua bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm; thuế, phí; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và quyền xử lý tài sản bảo đảm; phân bổ lãi dự thu, chênh lệch khi bán khoản nợ xấu...

Trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan để bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên thực tế cũng được Dự thảo Nghị quyết nêu rõ.

Chuyên đề