“Đất vàng” đổi chủ nhìn từ Vinafood 2

(BĐT) - Nghi vấn thất thoát tài sản nhà nước là “đất vàng” thông qua hình thức đầu tư BT hay cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 
Vinafood 2 đã góp vốn thành lập công ty để triển khai dự án tại khu “đất vàng” ở số 132 Bến Vân Đồn, TP.HCM. Ảnh: Lý Kiệt
Vinafood 2 đã góp vốn thành lập công ty để triển khai dự án tại khu “đất vàng” ở số 132 Bến Vân Đồn, TP.HCM. Ảnh: Lý Kiệt

Nhưng có một con đường khác khiến “đất vàng” thuộc sở hữu nhà nước bị đổi chủ với mức giá siêu rẻ là góp vốn bằng quyền sử dụng đất thành lập công ty cổ phần, sau đó bán lại. Câu chuyện của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) góp vốn thành lập công ty để triển khai dự án tại khu đất 7.886 m2, số 132 Bến Vân Đồn, TP.HCM khiến dư luận suy nghĩ.

Hợp tác góp vốn bằng “đất vàng”

Cuối năm 2007, Vinafood 2 đã hợp tác góp vốn cùng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang,… bằng lợi thế quyền thuê đất để lập ra pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội triển khai dự án tại khu đất 7.886 m2, số 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM.

Đây là khu đất có vị trí thuận lợi, nằm ngay trên mặt tiền, trục đường chính của Quận 4, cách trung tâm TP.HCM khoảng 1,7 km và được mệnh danh là con đường vàng của bất động sản cao cấp tại Thành phố.

Theo bản công bố thông tin về bán đấu giá cổ phần của Vinafood 2 tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội, tại ngày 30/6/2014, số cổ phần sở hữu của Vinafood 2 tại Vĩnh Hội là 1,5 triệu cổ phần, tương ứng 8,8% tỷ lệ sở hữu. Ngoài ra, 2 cổ đông lớn nhất của Vĩnh Hội là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim với tỷ lệ sở hữu là 44,24% và Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang với tỷ lệ sở hữu là 26,39%. 

Chuyển đất do DNNN quản lý cho nhà đầu tư khác

Hiện tại, Dự án đang được triển khai trên khu “đất vàng” tọa lạc tại số 132 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, TP.HCM có tên gọi là Masteri Millenniun với chủ đầu tư bao gồm Công ty CP Đầu tư Thảo Điền, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội và Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt. Quy mô Dự án bao gồm tòa tháp đôi cao 34 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sàn là 87.630 m2. Hiện tòa tháp này đang được thi công đến tầng 32.
Về chuyển nhượng đất thuê Nhà nước dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp có quỹ đất lớn, vị trí lợi thế cho kinh doanh nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải trả lại đất cho Nhà nước hoặc phải di dời nhưng không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có. Trong đó, nhiều trường hợp đã hoàn thành việc thoái vốn góp (bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất) cho nhà đầu tư khác sau khi hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai dự án bất động sản.

Như vậy, bản chất việc thành lập các công ty liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất của Nhà nước cho nhà đầu tư khác. Hoạt động này cùng với những bất cập, thiếu minh bạch trong việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của doanh nghiệp, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương đã tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Trong trường hợp Vinafood2, ngày 16/11/2015, Vinafood 2 đã bán đấu giá 1,5 triệu cổ phần tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Vĩnh Hội với giá trúng bình quân bằng với giá khởi điểm 30.000 đồng/cổ phần cho 3 nhà đầu tư (1 tổ chức và 2 cá nhân). Tổng số tiền thu về từ đợt bán đấu giá này là 45 tỷ đồng, khoản chênh lệch 30 tỷ đồng so với tổng giá trị vốn góp ban đầu được xác định là 15 tỷ đồng. Như vậy có thể hiểu, giá trị góp vốn bằng lợi thế quyền thuê đất của Vinafood 2 tại 132 Bến Vân Đồn vào Vĩnh Hội chỉ vỏn vẹn 15 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau, dự án này được bán lại cho Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt và Công ty CP Vận tải biển Trường Phát Lộc. Theo Báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty Phát Đạt, vào ngày 8/12/2015, Phát Đạt đã ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư có thời hạn 3 năm với tổng giá trị là 883 tỷ đồng với Công ty Trường Phát Lộc liên quan đến việc phát triển dự án tọa lạc tại khu “đất vàng” 132 Bến Vân Đồn. Trong khi đó, số tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước chỉ là gần 112,5 tỷ đồng.

Chuyên đề