'Đại gia dệt sợi' đưa 21 triệu cổ phiếu lên sàn HOSE

(BĐT) - Tổng công ty Việt Thắng sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào cuối tuần sau với giá tham chiếu 35.000 đồng một cổ phiếu.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có quyết định chấp thuận niêm yết 21 triệu cổ phiếu phổ thông của Tổng công ty Việt Thắng (Vicotex) với mã chứng khoán TVT. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên ngày 17/7 là 35.000 đồng một cổ phiếu, biên độ dao động giá +/- 20%.

Vốn điều lệ hiện tại của Vicotex là 210 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Dệt may Việt Nam nắm giữ 46,93% vốn.

Dù quy mô tài sản và vốn điều lệ còn hạn chế, nhưng Vicotex cho thấy kết quả kinh doanh khá tích cực và được duy trì trong nhiều năm liên tiếp. So với 4 doanh nghiệp cùng ngành đang niêm yết trên sàn HOSE, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế (không bao gồm lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng dự án bất động sản) của Tổng công ty chỉ xếp sau Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công. Các chỉ số lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu… đều nằm trong nhóm dẫn đầu.

Năm 2016, Vicotex ghi nhận 2.491 tỷ đồng doanh thu thuần chủ yếu đến từ kinh doanh vải mộc, thương phẩm và hàng may mặc, tăng hơn 6% so với năm trước.

Thị trường trong nước đóng góp trung bình hơn 61% doanh thu hằng năm. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu ngày càng giảm về giá trị lẫn tỷ trọng đóng góp vào cơ cấu doanh thu do sự cạnh tranh gay gắt của các công ty nước ngoài và đòi hỏi các tiêu chuẩn chất lượng từ những thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… khắt khe hơn. Năm ngoái, doanh thu xuất khẩu của Vicotex chỉ đạt 741 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với năm trước.

Hiện, Tổng công ty sử dụng hầu hết nguồn nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước ngoài khiến giá vốn bán hàng bị đội lên hơn 70% trong tổng giá vốn. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dễ chịu sự ảnh hưởng của biến động tỷ giá hối đoái, giá dầu và giá nguyên vật liệu lên xuống theo mùa vụ, thời tiết, chính sách điều tiết sản lượng cung ứng từ các vùng trồng lớn như Trung Quốc, châu Phi…

Tổng công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn ngắn hạn khá khiêm tốn. Dự kiến doanh thu năm nay chỉ tăng 2,6% lên mức 2.557 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn 19% xuống còn 95 tỷ đồng.

Tổng công ty Việt Thắng tiền thân là hãng dệt Việt Mỹ kỹ nghệ dệt sợi công ty (VIMYTEX) hoạt động từ năm 1960. Sau ngày đất nước thống nhất, công ty được Nhà nước tiếp quản và giao cho Bộ Công nghiệp nhẹ quản lý và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, công ty nhiều lần được tái cơ cấu theo nhiều loại hình và tên gọi khác nhau như Nhà máy Dệt Việt Thắng, Công ty TNHH Nhà nước MTV Dệt Việt Thắng… Đến năm 2007, công ty được cổ phần hoá do Nhà nước nắm giữ 52,3 vốn điều lệ và chuyển đổi thành Tổng công ty sau đó không lâu.

Chuyên đề