Đại biểu Quốc hội muốn Chính phủ giải trình về lỗ hổng thuế phí xăng dầu

Khi 2 bộ Tài chính - Công Thương chưa thể phân định trách nhiệm để xảy ra việc người tiêu dùng thiệt hàng nghìn tỷ đồng, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần lên tiếng, đưa ra hướng xử lý.
Việc xử lý số tiền chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng doanh nghiệp được hưởng từ tiền người tiêu dùng nộp "oan" vẫn là câu hỏi lớn. Ảnh: Q.Đ
Việc xử lý số tiền chênh lệch hàng nghìn tỷ đồng doanh nghiệp được hưởng từ tiền người tiêu dùng nộp "oan" vẫn là câu hỏi lớn. Ảnh: Q.Đ

Việc người tiêu dùng mất "oan" hàng trăm tỷ mỗi tháng trong gần một năm qua do lỗ hổng thuế phí xăng dầu là câu chuyện được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi các đoàn thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tại tổ ngày 24/3.  

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – Lê Thị Nga, Chính phủ cần có giải trình về vấn đề này, bởi dù 2 bộ Tài chính và Công Thương đã đưa ra giải pháp xử lý song vẫn cần tiếp tục điều chỉnh. “Phải xác định hành lang pháp lý sao cho các chủ thể Nhà nước – người dân – doanh nghiệp được đảm bảo hài hòa lợi ích. Bởi có những thời điểm, cả 3 chủ thể này đều kêu”, bà Nga dẫn chứng.

Đại biểu đoàn Thái Nguyên nhấn mạnh, khi người dân, dư luận có ý kiến với chênh lệch thuế phí, khiến họ thiệt thòi thì các Bộ Tài chính, Công Thương cần phải lên tiếng. “Tôi đã tham vấn ý kiến anh Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách để có thêm thông tin nhưng đấy là cá nhân, còn 2 bộ cần trả lời với người dân về trách nhiệm của mình và hướng xử lý thế nào”, bà Nga nói.

Chia sẻ quan điểm nêu trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách – Bùi Đức Thụ cũng đánh giá cao động thái của nhà điều hành khi chuyển sang cách áp thuế bình quân gia quyền với xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường khác nhau.

“Vấn đề còn lại là khoản người dân chịu thiệt 3.500 tỷ đồng hay bao nhiêu đó thì phải thanh kiểm tra để kết luận rõ. Từ đó, cần đưa vào quỹ bình ổn nhằm điều hòa giá xăng trong thời gian tới, chứ khó lòng trả trực tiếp cho người dân”, ông khuyến nghị.

Bình luận về trách nhiệm các bên, ông Thụ cho rằng trong trường hợp này doanh nghiệp không có lỗi mà trước tiên thuộc về 2 bộ quản lý là Công Thương và Tài chính. “Trách nhiệm thuộc về người ban hành. Ai ban hành người đó chịu trách nhiệm. Còn trong trường hợp từng bộ đùn đẩy thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm”, ông bày tỏ.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhìn nhận, trong bối cảnh các bộ vẫn chưa thống nhất được vấn đề phân chia trách nhiệm thì Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng trực tiếp phụ trách lĩnh vực này cần triệu tập các cơ quan này, tìm ra câu trả lời cho công luận. "Khi các bộ còn đang tranh cãi thì phải có Chính phủ, có Thủ tướng đứng ra phân xử. Không nên để nhân dân phải chờ đợi", đại biểu TP HCM nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời câu hỏi của báo chí về trách nhiệm trong việc chậm thay đổi cách tính thuế nhập khẩu, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) – Nguyễn Đình Thi cho rằng “Nghị định 83 quy định rõ Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chủ trì quyết định và công bố”.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – Võ Văn Quyền sau đó lại có văn bản gửi Bộ Tài chính phản hồi. Theo đó, đại diện Bộ Công Thương khẳng định phát ngôn của lãnh đạo vụ Chính sách thuế “là chưa hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của hai bộ và quy định của Nghị định 83 trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng chính sách về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu và điều hành giá".

Văn bản này cũng dẫn chiếu Điều 36 và 40 của Nghị định 83, quy định vai trò chủ trì của Bộ Tài chính trong việc phối hợp với Bộ Công Thương quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu và hướng dẫn phương pháp tính giá cơ sở xăng dầu.

Tuy vậy, trao đổi với VnExpress sáng 24/3, ông Võ Văn Quyền nhấn mạnh, việc cơ quan này có công văn gửi Bộ Tài chính không phải là “phản ứng gay gắt mà với tinh thần làm rõ chức năng, nhiệm vụ để phối hợp hiệu quả hơn trong điều hành”.

Chuyên đề