Đã hết lo với sở hữu chéo ngân hàng?

(BĐT) - Bức tranh sở hữu chéo giữa ngân hàng với ngân hàng hoặc với các doanh nghiệp đã tích cực hơn qua các con số được công bố. Định hướng điều hành chính sách tiền tệ năm 2019 không nhắc đến việc xử lý sở hữu chéo. Phải chăng đây không còn là vấn đề đáng quan ngại?
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông cùng 6 doanh nghiệp khác. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thoái toàn bộ vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông cùng 6 doanh nghiệp khác. Ảnh: Lê Tiên

Mạnh mẽ từ chính sách đến thực thi

Thị trường đã chứng kiến một số cuộc thoái vốn mạnh mẽ của các ngân hàng khỏi các ngân hàng và các doanh nghiệp trong thời gian qua dù việc này không hề dễ dàng. Sau nhiều lần đấu giá, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thoái sạch vốn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã thoái toàn bộ vốn tại OCB cùng 6 doanh nghiệp khác.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến nay, tình trạng sở hữu cổ phần chéo của ngân hàng đã giảm đáng kể. Sau 6 năm thực hiện chủ trương này, sở hữu chéo trực tiếp giữa ngân hàng với ngân hàng đã giảm từ 7 cặp còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm từ 56 cặp còn 2 cặp.

Diễn biến này trên thị trường cũng đồng điệu với mức độ quyết liệt trong các chính sách về giảm tình trạng sở hữu chéo của các ngân hàng.

Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020” nêu rõ, từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại.

Đáng chú ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2018 quy định hạn chế về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông tại nhiều TCTD nhằm hạn chế tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lạm dụng vị thế cổ đông lớn tại nhiều TCTD để phục vụ cho các lợi ích liên quan. Theo đó, một cổ đông lớn và những người có liên quan tại một TCTD không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại TCTD khác.

Những ngày cuối năm 2018, NHNN đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-NHNN quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp cổ đông lớn của một TCTD và người có liên quan của cổ đông đó sở hữu cổ phần từ 5% trở lên vốn điều lệ của một TCTD khác.

TCTD đầu mối phối hợp với TCTD khác, nhóm cổ đông lớn có liên quan lập kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn, triển khai thực hiện kế hoạch khắc phục đảm bảo chậm nhất ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhóm cổ đông lớn có liên quan tuân thủ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Quan sát diễn biến về việc xử lý sở hữu chéo của ngân hàng trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, đã có những biểu hiện tiến bộ khá rõ rệt từ cả các ngân hàng và hệ thống chính sách. “Với các động thái quyết liệt của NHNN, nhiều ngân hàng dù muốn hay không cũng phải thực hiện việc này. Đây có thể coi là một trong những thành công của ngành ngân hàng trong những năm vừa qua”, ông Minh nhấn mạnh. 

Cần công khai, minh bạch hơn

Việc NHNN công bố số lượng các cặp sở hữu chéo phần nào cho thấy tình trạng này đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn luôn được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ nhận định là phức tạp, khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình nhờ người đứng tên hộ. Do đó, việc tăng cường chức năng giám sát với tình trạng này đòi hỏi sự công khai, minh bạch, cụ thể và chi tiết hơn về danh tính, tỷ lệ, giá trị của cổ phần sở hữu.

Bình luận về điều này, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng: “Sở hữu chéo bắt nguồn từ chuyện thiếu công khai, minh bạch. Do đó, để giải quyết tận gốc rễ vấn đề này cũng cần đi từ việc công khai, minh bạch trước tiên. Mối quan hệ sở hữu chéo giữa các chủ thể có quy mô vốn 10 nghìn tỷ đồng và các chủ thể có quy mô vốn 1 nghìn tỷ đồng là hoàn toàn khác nhau. Hoặc, tỷ lệ sở hữu chéo 90% và sở hữu chéo 10% là hoàn toàn khác nhau. Do đó, nên chỉ đích danh là ai sở hữu ai, sở hữu bao nhiêu để cùng giám sát, đánh giá và hình dung được bức tranh thực”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Tuấn Minh nói: “Để quá trình xử lý sở hữu chéo có tiến triển tốt hơn, cần có sự giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các cơ quan khác của Quốc hội và cả giới chuyên gia. Do đó, cần có những báo cáo định kỳ và cụ thể. Đặc biệt, thực hiện điều này là đúng theo chủ trương công khai, minh bạch đang được chú trọng trong mọi công tác điều hành của Chính phủ. Nếu không, các con số được công bố sẽ không mang nhiều ý nghĩa”.

Chuyên đề