Cổ phiếu rượu, bia trong “cơn say” của nhà đầu tư ngoại

(BĐT) - Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố việc ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Singha Asia Holding Pte Ltd (Singha - Thái Lan). 
 


Tài chính và thương hiệu là lợi thế khi doanh nghiệp rượu bia bán cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: Lê Tiên
Tài chính và thương hiệu là lợi thế khi doanh nghiệp rượu bia bán cổ phần cho đối tác ngoại. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, MSN sẽ bán 33,3% cổ phần Masan Brewery – Nhà máy Sản xuất bia với giá 50 triệu USD cho Singha. Trước Singha có nhiều nhà đầu tư ngoại đã nhảy vào thị trường rượu bia thông qua việc sở hữu cổ phần (CP) ở một loạt tên tuổi lớn như Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Hà Nội (Habeco), Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico)… 

Trả giá cao, mua không hạn chế

Đầu năm 2011, Tập đoàn Diageo - hãng rượu sở hữu nhiều thương hiệu tên tuổi như Johnnie Walker, Bailey, Smirnoff - đã chi ra gần 800 tỷ đồng để sở hữu 18,67% CP của Halico với mức giá 213.600 đồng/CP. Sau đó, nhà đầu tư này liên tục gia tăng sở hữu, đến giữa năm 2012 đã nắm 45,5% CP tại Halico và trở thành cổ đông lớn thứ 2 sau Habeco (sở hữu 54,3% CP). Tổng số tiền sở hữu 45% CP Halico vào  khoảng 1.945 tỷ đồng, tương đương 90 triệu USD.

Vào thời điểm đó, Diageo có lý do khi bỏ ra 213.000 đồng để mua một CP của Halico. Với lịch sử hoạt động hơn 100 năm, chiếm thị phần lớn trong ngành rượu với sản phẩm chủ lực Vodka Hà Nội, kết quả kinh doanh của Halico rất khả quan. Đó là chưa kể đến việc DN này sở hữu đất vàng tại Hà Nội. Do bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu CP dành cho nhà đầu tư ngoại, DN này chưa thể gom thêm CP Halico.

Tại thời điểm IPO năm 2008, mặc dù không bán hết CP (giai đoạn thị trường chứng khoán suy thoái), vẫn có 5 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco bao gồm: Anheuser-Busch, Inc đến từ Mỹ - nhà sản xuất nhãn hiệu bia nổi tiếng Budweiser; Inbev của Bỉ; Heineken; Thaibeer; Asahi (Nhật).

Tháng 3/2015, ngay khi có thông tin nhà nước bán bớt CP tại Sabeco đã có 10 nhà đầu tư trong và ngoài nước khát khao muốn mua. Về phía nhà đầu tư nước ngoài có: Ashahi (Nhật Bản), Heineken (Hà Lan), Thaibeer (Thái Lan) và SAB Miller (Mỹ), trong nước là Chứng khoán Sài Gòn, Công ty CP Tư vấn Ánh Dương, Công ty CP Tập đoàn Đức Bình. Sabeco là một trong những thương hiệu dẫn đầu trong ngành sản xuất bia - rượu - nước giải khát với bề dày 140 năm lịch sử hình thành và phát triển. Ước tính 9 tháng đầu năm 2015, sản lượng sản xuất và giao hàng của Sabeco đã đạt 76% kế hoạch năm 2015. Năm 2014, tổng sản lượng tiêu thu Sabeco đạt 1,356 tỷ lít bia các loại. Sabeco đứng vị trí thứ 17 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, top 3 các nhà sản xuất bia hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Với sự thấu hiểu thị trường đồ uống Việt Nam, Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) đã thâm nhập từ sớm, trên diện rộng các DN rượu bia. Hiện nhà đầu tư này đang sở hữu CP tại Công ty CP Bia Huế, Bia Việt Hà, Bia Hạ Long, Bia Hà Nội với tổng giá trị đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý nhất là việc Carlsberg trở thành đối tác chiến lược của Habeco sở hữu 16,07% CP vào năm 2008 với giá mua trên 50.000 đồng/CP. Kể từ khi trở thành cổ đông lớn, Carlsberg liên tục bày tỏ tham vọng tiếp tục đổ tiền vào đại gia bia nội này. Trường hợp nâng tỷ lệ nắm giữ tại Habeco lên khoảng 30% cùng với việc sở hữu tại nhiều DN bia khác, Carlsberg đủ sức chi phối thị trường bia rượu Việt Nam. 

Được, mất từ đối tác ngoại

Tài chính và thương hiệu có lẽ là cái được đầu tiên khi các DN rượu bia bán CP cho đối tác nước ngoài. Hầu hết các DN rượu bia trong nước đều bán được CP giá cao, thu về thặng dư lớn bởi tiềm năng thị trường tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam trong khi vẫn giữ được thương hiệu truyền thống.

Mặc dù nhận “của hồi môn” lớn từ “cuộc hôn nhân” với các đối tác ngoại, nhưng hoạt động của các DN này sau “hôn nhân” không phải toàn màu hồng. Mới đây, chia sẻ tại Hội nghị tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Linh, Tổng giám đốc Habeco nói về sự thất vọng với đối tác chiến lược Carlsberg. Tại thời điểm ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, đã có những điều khoản ràng buộc: Carlsberg sẽ hỗ trợ Habeco phát triển, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, thiết bị, mở rộng thị trường, nâng cấp quản trị DN. Tuy nhiên sau 5 năm bắt tay, Carlsberg đã không thực hiện được những cam kết trên, mà còn nắm rõ về chiến lược kinh doanh, hệ thống phân phối của Habeco. Còn tại Halico, sau khi đối tác Diego vào trở thành cổ đông lớn thì kết quả kinh doanh của DN này lại sụt giảm những năm gần đây một cách khó hiểu.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những toan tính khó lường của các nhà đầu tư ngoại khi thâm nhập thị trường bia rượu Việt gần đây đã khiến DN rất cân nhắc khi thoái vốn nhà nước. Mặc dù không phải là lĩnh vực Nhà nước cần kiểm soát nhưng với sức tiêu thụ lớn, lợi nhuận từ ngành này không nhỏ khiến sự thận trọng ngày càng gia tăng. Gần đây nhất Sabeco đã bày tỏ không muốn bán cho cổ đông ngoại khi tiềm ẩn, xuất hiện nguy cơ xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và các công ty liên kết mà Tổng công ty chỉ nắm giữ khoảng 20% vốn điều lệ.

Chuyên đề