Cổ phiếu ngành điện tăng giá

Dù giá cổ phiếu đồng loạt đi lên, theo HSC, doanh nghiệp sản xuất điện độc lập sẽ không hưởng lợi nhiều nhờ tăng giá điện.
Công ty phát điện độc lập được dự báo sẽ ít có khả năng hưởng lợi từ quyết định tăng giá bán lẻ điện.
Công ty phát điện độc lập được dự báo sẽ ít có khả năng hưởng lợi từ quyết định tăng giá bán lẻ điện.

Bộ Công Thương vừa ra thông báo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 1.720,65 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 6,08% so với giá bán hiện hành 1.622,01 đồng một kWh. Động thái này ngay lập tức đã tác động đến cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất điện trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu BTP của Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa đã tăng trần 2 phiên liên tiếp với tổng mức tăng gần 15%. Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực nhiệt điện là Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 cũng tăng hơn 7%. Các doanh nghiệp còn lại bao gồm cả nhiệt điện và thủy điện đa phần duy trì được sắc xanh sau hai phiên đầu tiên của tháng 12.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC), điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thực tế chỉ tác động nhẹ hoặc không tác động đến doanh thu và lợi nhuận của các công ty sản xuất điện độc lập.

Lý giải nhận định này, theo HSC do các công ty phát điện độc lập đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với giá điện cố định - sản lượng điện cho phần lớn doanh thu và chỉ một phần phụ thuộc vào giá bán điện trên thị trường phát điện cạnh tranh. Do đó, điều chỉnh tăng giá bán ra thực tế không tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào.

Kỳ hạn bình quân của một hợp đồng PPA cho một công ty phát điện độc lập trung bình là từ 10 - 20 năm. Thông thường, kỳ hạn hợp đồng sẽ theo sát vòng đời kinh tế của các thiết bị sản xuất điện tại các nhà máy. Vì vậy, hợp đồng này sẽ không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong thời gian còn hiệu lực.

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng cho rằng khi các hợp đồng PPA đáo hạn và được đàm phán lại, giá bán lẻ điện tăng sẽ cho phép quá trình này dễ dàng hơn. "Giá bán lẻ điện cao hơn cũng củng cố niềm tin rằng EVN có thể sẽ 'hào phóng' hơn khi đàm phán các hợp đồng PPA với các nhà máy điện", báo cáo của HSC viết.

Dù vậy, các doanh nghiệp này sẽ ít có khả năng hưởng lợi trong ngắn hạn khi các hợp đồng bán điện PPA của nhiều doanh nghiệp phải qua năm 2020 mới hết hiệu lực.

Theo đại diện Bộ Công Thương, quyết định tăng giá điện bán lẻ mới đây do chi phí sản xuất kinh doanh cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng trong sản xuất kinh doanh điện.

Theo đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2016 sau giảm trừ thu nhập từ nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện... là trên 266.104 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016 là 1.665,29 đồng một kWh.

Nếu so với giá thành sản xuất kinh doanh điện thì giá bán điện bình quân tại các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ, Cù Lao Chàm và Đảo bé, Đảo Lý Sơn và các xã, đảo Khánh Hòa tương ứng lần lượt bằng 9,5 - 28,6% giá thành điện thực tế ở các đảo. Chi phí sản xuất điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2016.

Với thực tế này, doanh thu bán điện năm 2016 hơn 265.510 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng kWh. Trên cơ sở chi phí sản xuất cao hơn doanh thu dẫn tới khoản lỗ gần 594 tỷ đồng, nhà chức trách đã tính toán và đề xuất phương án tăng giá bán lẻ điện.

Chuyên đề