Cổ phiếu đại gia thủy sản bị tạm ngừng giao dịch

Agifish - doanh nghiệp do Công ty cổ phần Hùng Vương nắm gần 80% vốn, sẽ tạm ngừng giao dịch từ ngày 7/11.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM vừa thông báo đưa cổ phiếu AGF của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (Agifish) vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 7/11 do liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin. Cổ phiếu này hồi tháng 3 cũng bị kiểm soát đặc biệt và cảnh cáo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 90 tỷ đồng.

Biên độ dao động giá cổ phiếu này trong những phiên gần đây khá mạnh nhưng thanh khoản vẫn tương đối ảm đạm. AGF tăng trần ba phiên liên tiếp lên 6.160 đồng trong giai đoạn cuối tháng 10 và quay đầu giảm sàn hai phiên liên tiếp vào đầu tháng 11, khi thông tin tạm ngừng giao dịch được công bố. Cổ phiếu này “trắng bên mua” và đóng cửa phiên giao dịch hôm nay tại 5.330 đồng.

Agifish có hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Hùng Vương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Với tỷ lệ sở hữu gần 80% vốn cổ phần, Hùng Vương là công ty mẹ của Agifish. 

Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT Hùng Vương, đồng thời sở hữu trên 39% vốn cổ phần doanh nghiệp này cũng là Phó chủ tịch HĐQT Agifish.

Báo cáo tài chính quý cuối niên độ tài chính 2017-2018 ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 200 tỷ, giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ. Nguồn thu xuất khẩu lao dốc về cả giá trị lẫn tỷ trọng. Nhờ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm mạnh do không phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi như năm trước nên lợi nhuận giai đoạn này được cải thiện đáng kể, dù vẫn lỗ xấp xỉ 12 tỷ đồng.

Luỹ kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả niên độ lần lượt đạt 1.284 tỷ đồng và âm 190 tỷ đồng, đều không hoàn thành kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Lỗ sau thuế chưa phân phối tính đến cuối niên độ là 282 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn của Agifish xấp xỉ 1.220 tỷ, giảm hơn 850 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Dù tất toán nhiều khoản vay tài chính ngắn hạn và phải trả trước người bán nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tỷ lệ hơn 66% trong cơ cấu nguồn vốn.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, tình hình hoạt động hiện gặp rất nhiều khó khăn, nguyên liệu không đủ đáp ứng sản xuất nên buộc phải tạm ngưng hai nhà máy đông lạnh, đồng thời tiết giảm chi phí đầu vào như bao bì, nhiên liệu, điện nước. Công ty đã giải phóng lượng lớn hàng tồn kho thành phẩm nên tổng tài sản giảm gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu niên độ. Công ty đang muốn đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng như khô cá tra, da cá chiên giòn để phát triển ở những thị trường mới như Campuchia, Malaysia...

Chuyên đề