Chứng khoán và sự chuyển biến tư duy

(BĐT) - Chiều cuối năm, chúng tôi ngồi trò chuyện trong một gian phòng nhỏ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - vị trí trung tâm sầm uất, sôi động nhất đất Hà Thành. 
Chứng khoán và sự chuyển biến tư duy

Mọi thứ như lắng đọng, chậm lại khi TSKH Lê Văn Châu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kể lại câu chuyện ra đời thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cách đây đã gần 20 năm.

Khát vốn

Không vội vã kể lại ngay về việc ra đời TTCK, ông Châu đã dành thời gian khá dài kéo chúng tôi lùi xa hơn về những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Đó là thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” của thị trường tài chính và nền kinh tế khi lạm phát tăng phi mã.

“Sau khi chúng ta mở cửa vào năm 1986, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa khan hiếm, lạm phát lên đến 700%. Do bị cấm vận nên dự trữ ngoại tệ rất ít. Các kênh dẫn vốn của nền kinh tế đều bị bế tắc. Tiền trong dân không huy động được, tỷ giá chính thức và thị trường chênh lệch quá lớn, thị trường vàng không có lưu thông. Câu hỏi được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt ra khi đó là làm thế nào để huy động được vốn trong dân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh” - ông Châu kể lại.

Chứng khoán và sự chuyển biến tư duy ảnh 1
TSKH Lê Văn Châu - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Lúc bấy giờ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười có ý kiến cân nhắc việc đưa lãi suất tiền gửi lên 12%/tháng để hút tiền về. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn kéo dài trong 3 tháng, bởi nếu kéo dài hơn chúng ta sẽ không chịu đựng được.

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, giải pháp này đã được các cơ quan tham mưu trình Hội đồng Bộ trưởng và được đồng ý. Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, Việt Nam đã kiềm chế được lạm phát phi mã. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn lực cho phát triển vẫn rất khó khăn.

Nền kinh tế vẫn rất khát vốn sau khi đã trải qua gần 5 năm mở cửa. Câu hỏi đặt ra là lấy đâu ra tiền để phát triển kinh tế trong bối cảnh chúng ta vẫn đang bị cấm vận. 

Sản phẩm của nhân loại

Sau nhiều dấu ấn về tham mưu chính sách “giải cứu” thị trường tiền tệ, ông Lê Văn Châu được bổ nhiệm làm Phó Thống đốc NHNN.

Ông Châu kể lại: “Năm 1991, cụ Đỗ Mười, khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã cho mời các anh: Hồ Tế - Bộ trưởng Bộ Tài chính, anh Đậu Ngọc Xuân - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, anh Đỗ Quốc Sam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, và tôi - Phó Thống đốc NHNN lên để bàn giải pháp huy động vốn cho phát triển kinh tế”.

Khi được hỏi, ông Châu đã đề nghị, chỉ có mở TTCK mới giải được bài toán huy động nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển.

Khi đó, TTCK là khái niệm vô cùng mới mẻ với rất nhiều người. Ông Châu tự tin nêu vấn đề này vì trong thời chiến, do đặc thù công tác, ông đã làm việc tại Hồng Kông, có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về TTCK. Thống nhất đất nước, ông có dịp làm việc cho Ngân hàng Thế giới, có điều kiện nghiên cứu sâu về thị trường này.

“Trong buổi báo cáo nêu trên, chúng tôi đã đề nghị Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt cần cân nhắc và quyết định phải xây dựng TTCK, đây là cách duy nhất để có thể tự mình vươn lên phát triển”, ông Châu nhớ lại.

Ngay sau đó, một số cơ quan cũng bắt đầu tìm hiểu và NHNN nhận nhiệm vụ nghiên cứu về TTCK. Bây giờ kể lại thì ngắn gọn, nhưng tại thời điểm đó, để mọi người có ý niệm, hiểu biết về TTCK là cả một câu chuyện dài.

Ông còn nhớ như in một kỷ niệm tại cuộc họp đầu tiên Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị mà ông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ trình bày phương án phát triển TTCK Việt Nam. Ông còn chưa kịp trình bày nội dung gì thì nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng đã hỏi: “Bây giờ đồng chí hãy nói cho các đồng chí trong Bộ Chính trị nghe là tại sao chúng ta là nước xã hội chủ nghĩa lại phải xây dựng TTCK?”. Tiếp đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi: “Tính chất giai cấp của TTCK là gì?”.

Nhận một câu hỏi ngoài sự chuẩn bị, ông hơi bất ngờ.

Sau phút trấn tĩnh, ông đã trả lời: “TTCK là sản phẩm của loài người. Nếu bất kỳ chế độ xã hội nào biết vận dụng TTCK để tạo ra nguồn huy động vốn trung và dài hạn cho chế độ xã hội đó nhằm mục đích phát triển kinh tế, thì TTCK sẽ đưa lại lợi ích phục vụ đúng theo mục tiêu và yêu cầu của chế độ xã hội từng quốc gia đó. Việt Nam là nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng TTCK theo mô hình kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa để phục vụ cho nền kinh tế của đất nước”.

Ông biết rằng, các đồng chí lãnh đạo đã hiểu, nhưng muốn hỏi để biết câu trả lời của người trực tiếp tham gia xây dựng TTCK là như thế nào.

Sau buổi báo cáo đó, các đồng chí trong Bộ Chính trị đã chỉ đạo và quyết tâm xây dựng TTCK Việt Nam.

Thị trường chứng khoán không… giống ai

Ngày 6/11/1993, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Xây dựng và Phát triển thị trường vốn. và ông Châu là người trực tiếp chỉ đạo ban này.

“Sau khi xây dựng được bộ khung của mô hình, chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Bản báo cáo này được coi như một khung sườn để phát triển TTCK Việt Nam, và chúng tôi là những người trực tiếp thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo trước thành viên của Chính phủ về mô hình phát triển TTCK của Việt Nam” - ông Châu kể lại.

Có một điểm mang tính đổi mới sáng tạo, không giáo điều, rập khuôn, đó là việc xây dựng TTCK theo mô hình riêng của Việt Nam.

Thực tế là mô hình TTCK Việt Nam được xây dựng và thiết kế không theo mô hình cụ thể của quốc gia nào, ngay cả một số quốc gia như: Mỹ, Pháp hay Trung Quốc.

Đơn cử như Mỹ cũng chưa có Ủy ban Chứng khoán chính thức ngay từ đầu, mà để cho thị trường hoạt động tự phát, sau đó Mỹ nhận ra rằng nếu không có một cơ quan chuyên trách lo về pháp luật và quản lý thì sẽ gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho thị trường. Năm 1929, Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ ra đời với chức năng quản lý thị trường về mặt pháp luật.

Trung Quốc trước đây cũng để hai thị trường Thâm Quyến và Thượng Hải tự xây dựng quy chế hoạt động riêng, nhưng sau này cũng phải thành lập ra Ủy ban Giám quản trực thuộc Quốc Vụ viện, nay là Bộ Giám quản, để quản lý thị trường.

Tại Việt Nam, với những đặc điểm riêng, Bộ Chính trị và Chính phủ đã chấp thuận thành lập UBCKNN trực thuộc Chính phủ trước khi thành lập các sở giao dịch chứng khoán. Sau đó thúc đẩy làn sóng cổ phần hóa, thành lập công ty cổ phần để tạo hàng cho thị trường.

Ngày 28/11/1996, UBCKNN được thành lập, ngay sau đó là việc thành lập 2 trung tâm chứng khoán tại TP.HCM và Hà Nội.

“Việc lên sàn của các doanh nghiệp là cả một quá trình chuyển biến tư duy, bởi sau khi TTCK ra đời, tình hình hoạt động của thị trường mấy năm đầu vô cùng ì ạch. Thậm chí có một số người kiến nghị tạm đình chỉ giao dịch một thời gian. Đến năm 2006, TTCK mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như ban đầu, chúng ta dự kiến TTCK phát triển đến năm 2010 tương đương khoảng 15-20% GDP, thì thực tế năm 2006, con số này đã lên đến trên 40% GDP. Và đến nay đạt trên 70% GDP, vượt cả mục tiêu tới năm 2020” - ông Châu đánh giá.

Nhìn lại quá trình ra đời TTCK những ngày đầu, ông Châu cho biết không thiếu sự khác biệt về cách nhìn nhận. Từ việc đặt tên ủy ban chứng khoán đến việc lập trung tâm giao dịch, từ việc cơ quan quản lý chứng khoán trực thuộc Chính phủ hay Bộ Tài chính đến việc quy mô của mỗi sàn TP.HCM và Hà Nội ra sao…

Theo ông Châu, có những ý kiến khác nhau là điều rất bình thường do chúng ta chưa có sự hiểu biết đầy đủ về thị trường cũng như trải nghiệm thực tế. Với quyết định đúng đắn của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, TTCK Việt Nam đã ra đời. Đến nay, TTCK Việt Nam đã mang lại những thành quả to lớn cho đất nước, minh chứng định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. 

Chuyên đề