Cho vay ngang hàng: Học gì từ sự suy sụp ở Trung Quốc?

(BĐT) - Nhiều công ty khởi nghiệp (startup) Việt Nam vẫn đang chờ được cấp phép tham gia hoạt động theo khuôn khổ pháp lý thử nghiệm với hoạt động cho vay ngang hàng (P2P). Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự sụp đổ của hàng trăm startup này thời gian qua đặt ra vấn đề về định hướng phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Mức giải ngân bình quân qua hệ thống cho vay ngang hàng của Tima thời gian gần đây có lúc lên tới hơn 12.000 tỷ đồng/tháng. Ảnh: Nhã Chi
Mức giải ngân bình quân qua hệ thống cho vay ngang hàng của Tima thời gian gần đây có lúc lên tới hơn 12.000 tỷ đồng/tháng. Ảnh: Nhã Chi

Mức giải ngân tăng

Đến 21/2/2019, tổng số tiền đã được giải ngân qua hệ thống cho vay ngang hàng của Tima, một nền tảng cho vay ngang hàng được chính thức khai trương tháng 12/2017, là gần 61.565 tỷ đồng. Tính bình quân từ lúc khai trương đến nay, mức giải ngân bình quân của nền tảng này là 4.396 tỷ đồng/tháng. Song tính riêng những tháng gần đây, mức giải ngân bình quân có lúc lên tới hơn 12.000 tỷ đồng/tháng.

Một tên tuổi khác trên thị trường cho vay ngang hàng của Việt Nam là vaymuon.vn cho biết vẫn đang hoạt động khá tốt với doanh số tăng đều đặn trong thời gian qua.

Từ góc khác của thị trường, nhiều startup trong lĩnh vực này đã nộp hồ sơ tới Ngân hàng Nhà nước để xin tham gia hoạt động theo khung khổ pháp lý thử nghiệm của cơ quan này, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào được duyệt hồ sơ.

“Vaymuon đã nộp hồ sơ gần một năm nhưng đến nay vẫn đang phải chờ đợi, chúng tôi chưa biết đến bao giờ mới được phê duyệt”, Nguyễn Hòa Bình, CEO của Tập đoàn Công nghệ NextTech, “ông chủ” của vaymuon.vn cho biết. 

Cần quản lý và kiểm soát chặt chẽ

Phát triển sớm hơn Việt Nam, thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc đã nở rộ trong những năm gần đây với con số các startup trong lĩnh vực này có lúc lên đến 6.000. Theo Công ty Dữ liệu Wangdaizhijia, số lượng sàn giao dịch cho vay trực tuyến tại Trung Quốc vào tháng 1 năm nay chỉ còn lại 1.009, giảm 46% so với thời điểm tháng 5/2018. Số nợ không trả qua các hình thức vay P2P ở nước này hiện lên tới hơn 177 tỷ USD.

Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu Yingcan, số lượng nền tảng cho vay trực tuyến tại Trung Quốc còn tồn tại trong năm 2019 có thể sẽ chỉ còn 300. Tập đoàn tài chính Mỹ Citigroup lại dự đoán tại Trung Quốc chỉ còn khoảng 50 công ty cho vay P2P có thể trụ lại được trong năm nay.

Sự xuất hiện của các công ty fintech mở ra kênh tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng và giúp giảm bớt việc vay tín dụng đen. Với hoạt động cho vay ngang hàng, người vay tiền và người có tiền kết nối thông qua ứng dụng trực tuyến trên thiết bị di động hoặc máy tính. Ưu điểm của mô hình này là đơn giản hoá mọi thủ tục, thời gian xét duyệt cho vay nhanh, giao dịch trực tuyến dễ dàng và lãi suất cạnh tranh.
Trước làn sóng thắt chặt đó, đã có hiện tượng startup cho vay ngang hàng của Trung Quốc tìm cách liên kết với các doanh nghiệp của Việt Nam để phát triển ở thị trường Việt Nam. CEO của một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) có trụ sở tại Hà Nội cho biết, vừa từ chối lời mời hợp tác của một startup Trung Quốc về việc phát triển mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam.

“Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực này không phù hợp nên không nhận lời hợp tác. Về thị trường, theo tôi, việc quản lý hoạt động này là không dễ dàng nhưng thắt chặt cũng không thể được. Do đó, rất cần cân nhắc các biện pháp quản lý phù hợp với xu thế phát triển và cách thức vay mượn của thị trường Việt Nam”, vị CEO này cho biết.

Về khung khổ pháp lý thử nghiệm với cho vay ngang hàng tại Việt Nam, một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã có nhiều startup nộp hồ sơ xin được tham gia hoạt động theo khung pháp lý thử nghiệm. Tuy nhiên đến nay, đề án thử nghiệm với vay ngang hàng vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo đề án này là các giải pháp công nghệ tài chính được xét duyệt tham gia thử nghiệm phải đáp ứng yêu cầu về thiết kế quản lý rủi ro tốt, không có hoặc ít có khả năng gây ra tác động xấu tới các tổ chức tài chính nói riêng và cả hệ thống tài chính nói chung; được thiết kế bao gồm các giải pháp xác thực khách hàng, nhận diện giao dịch đáng ngờ, ngăn chặn giao dịch đáng ngờ, xác thực đơn vị chấp nhận thanh toán… phù hợp với các quy định về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Chia sẻ quan điểm về điều này, CEO của NextTech cho rằng: “Diễn biến đang xảy ra ở Trung Quốc là bài học cho Việt Nam. Chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ và kiểm soát tốt hoạt động này càng sớm càng tốt. Bằng cách đó, các công ty cho vay ngang hàng hoạt động tốt, có năng lực kiểm soát rủi ro cao sẽ tồn tại. Ngược lại, các công ty quản lý lỏng lẻo, cho vay theo kiểu biến tướng của tín dụng đen sẽ bị hạn chế hoạt động. Xu hướng các công ty cho vay ngang hàng từ Trung Quốc tìm đến thị trường Việt Nam là có thật. Vì vậy, rất cần nhanh chóng quản lý và kiểm soát hoạt động này”.

Chuyên đề