Chính sách tiền tệ: Tình thế đặc thù đòi hỏi giải pháp đặc thù

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp xử lý nợ xấu, cũng như tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém trong năm 2015.
Chính sách tiền tệ: Tình thế đặc thù đòi hỏi giải pháp đặc thù

Có thể khẳng định, năm 2015 là một năm thành công của ngành ngân hàng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Với cương vị là một lãnh đạo ngành, liệu ông đã hài lòng với các kết quả đạt được?

Ở một giác độ nào đó thì tôi hoàn toàn hài lòng với những kết quả đã đạt được, nhất là việc xử lý một số ngân hàng yếu kém không có khả năng tự cơ cấu lại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bắt buộc phải có sự can thiệp của Nhà nước.

Theo đó, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng (gồm ngân hàng: Xây dựng, Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu) và chuyển đổi từ mô hình ngân hàng thương mại cổ phần sang mô hình ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Song song với đó, bằng tất cả nỗ lực, triển khai mọi biện pháp có thể của ngành ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ của hệ thống các TCTD giảm từ mức 4,83% tại thời điểm cuối năm 2014 xuống chỉ còn 2,52% tại thời điểm 31/12/2015. Điều đó có nghĩa, NHNN đã đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trước thời hạn và xử lý được cơ bản số nợ xấu xác định tại thời điểm tháng 9/2012.

Đặc biệt, khi các văn bản về phân loại và quản lý nợ xấu ban hành đầu năm 2015 có hiệu lực thi hành đã tạo áp lực đáng kể cho thị trường và hệ thống các TCTD, chấm dứt sự tồn tại 2 con số nợ xấu (nợ xấu theo báo cáo của TCTD và nợ xấu theo giám sát của NHNN).

Tuy nhiên, nói là đã thỏa mãn chưa thì chưa, bởi vẫn còn nhiều việc phải làm. Ngay như quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, NHNN cũng gặp phải nhiều khó khăn do khả năng huy động các nguồn lực xã hội cho cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các TCTD còn hạn chế. Trong khi đó, quan điểm nhất quán trong cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu là không sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước và không để phá sản các TCTD.

Khung pháp lý cho công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện dẫn đến những khó khăn trong việc triển khai các biện pháp xử lý TCTD yếu kém, cũng như áp dụng các cơ chế quản lý riêng về hoạt động để các TCTD này thực hiện tái cơ cấu một cách thuận lợi. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại...

Đây cũng chính là những thách thức mà NHNN và các cấp có thẩm quyền phải giải quyết để có thể thực hiện thành công quá trình cơ cấu lại trong giai đoạn tiếp theo. 

Không thể phủ nhận những giải pháp sáng tạo và đột phá, những giải pháp chưa có tiền lệ mà NHNN đã thực thi trong năm qua như mua lại ngân hàng với giá 0 đồng. Vậy trong thời gian tới, NHNN có làm tương tự?

Quả thực, tiến trình tái cơ cấu hệ thống TCTD thời gian đầu vấp phải không ít khó khăn do yêu cầu không sử dụng tiền từ Ngân sách nhà nước để tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, trong khi lại không được để đổ vỡ ngân hàng ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Trong điều kiện đặc thù đó, các giải pháp đưa ra cũng phải đặc thù. Theo đó, NHNN đã có những giải pháp mang tính quyết đoán, chưa có tiền lệ để xử lý những yếu kém của hệ thống. Có thể nói, đó là lựa chọn phù hợp nhất với tình huống thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tài sản của Nhà nước. Thực tế cũng đã chứng minh tính đúng đắn của những giải pháp này.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh

http://static.tinnhanhchungkhoan.vn/uploaded/ngoctuanz/2016_01_28/8_vbnb.jpg?width=420Cụ thể, trong năm 2015, NHNN đã lựa chọn giải pháp mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng để xử lý các ngân hàng này, mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống và để bảo vệ người gửi tiền.

Đây là biện pháp có cơ sở pháp lý, phù hợp với quan điểm, định hướng của Đảng và Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ và NHNN kiên quyết xử lý triệt để những ngân hàng yếu kém và cảnh báo trách nhiệm của các cổ đông nói chung, bên cạnh đó là răn đe các cổ đông lớn trong việc quản trị, điều hành và giám sát hoạt động của ngân hàng.

Về Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), thực tế cũng đã cho thấy mô hình hoạt động của VAMC là sự lựa chọn rất hợp lý trong bối cảnh Việt Nam trên các khía cạnh: thứ nhất, chi phí xã hội thấp và Nhà nước không phải bỏ tiền xử lý nợ xấu; thứ hai, giảm thiểu rủi ro: TCTD và DN giảm thiểu và/hoặc phân bổ hợp lý tổn thất, có thêm điều kiện và thời gian để phục hồi hoạt động, bù đắp tổn thất tín dụng trong một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới với kỳ vọng giá tài sản tăng lên và thị trường bất động sản phục hồi tích cực; thứ ba, minh bạch hóa được nợ xấu của các TCTD.

Trong giai đoạn tới, trên cơ sở khung pháp lý được hoàn thiện, nguồn lực tài chính và năng lực xử lý nợ xấu của VAMC được tăng cường, NHNN tin tưởng rằng, VAMC sẽ phát huy hơn nữa vai trò là công cụ đặc biệt trong xử lý nợ xấu, phù hợp với thực tiễn phát triển của hệ thống các TCTD Việt Nam. 

Liên quan đến câu chuyện tỷ giá, dự báo năm nay, sức ép từ bên ngoài vẫn rất lớn. Quan điểm điều hành của NHNN như thế nào?

Quan điểm của NHNN về chính sách tỷ giá vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn hội nhập mới, nên trong năm 2016, NHNN sẽ điều hành chính sách tỷ giá theo cách thức mới, linh hoạt hơn. Theo đó, NHNN vẫn công bố tỷ giá, nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày.

Mức độ tham chiếu các yếu tố sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành. Cách thức điều hành tỷ giá mới này cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế.

Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tương lai xán lạn đang chờ Việt Nam nắm bắt”

Bà Victoria Kwakwa
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

http://static.tinnhanhchungkhoan.vn/uploaded/ngoctuanz/2016_01_28/8-3_xszr.jpg?width=420Việt Nam đang bắt đầu một làn sóng hội nhập khu vực và quốc tế mới, dự kiến sẽ mở ra những thị trường mới và hỗ trợ sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước qua việc mang tới cơ hội cho các DN, nâng cao sự tham gia của họ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nói riêng cũng sẽ vượt xa hơn hội nhập thương mại để thúc đẩy hiện đại hóa và lộ trình của Việt Nam hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế trong một loạt vấn đề thể chế bao gồm mua sắm công, quan hệ lao động và quyền sở hữu trí tuệ. Việt Nam đã bắt đầu có được sự quan tâm lớn hơn từ các NĐT sau khi ký kết các hiệp định quốc tế và có sự dịch chuyển cơ sở sản xuất của một số DN từ nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, sang Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế của TPP sắp tới. 

Việt Nam đã duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong 3 năm liền, giữ cho lạm phát năm 2015 dưới 1% và duy trì ổn định tỷ giá hối đoái trong sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, quan trọng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dịch chuyển dần sang chính sách quản lý tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhằm đối phó với áp lực lên tiền đồng, ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ sự cạnh tranh của nền kinh tế. Phản ứng của NHNN đối với sự biến động của thị trường tài chính toàn cầu năm 2015 là rất phù hợp. Gần đây nhất, NHNN đã quyết định chuyển từ điều chỉnh tỷ giá định kỳ một lần sang hàng ngày, cho phép phản ứng tốt hơn đối với sự biến động liên tục của thị trường.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức. Áp lực tài khóa đang gia tăng dẫn tới nợ quốc gia gia tăng. Đối với nền kinh tế mở của Việt Nam, sẽ cần dự trữ ngoại hối lớn hơn để chống lại những biến động bên ngoài. Xây dựng lại không gian tài chính và dự trữ ngoại hối sẽ củng cố khả năng phục hồi kinh tế vĩ mô và làm cho nền kinh tế có khả năng đối phó cao hơn với những cú sốc cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để duy trì đà tăng trưởng, cần khả năng cạnh tranh cao hơn và năng suất ngày càng lớn hơn. Những đổi mới toàn diện và sâu sắc về cơ cấu là cần thiết để giải quyết các vấn đề tồn tại về mặt thể chế, như khu vực công còn lớn, cơ chế thị trường chưa hoàn thiện và môi trường đầu tư còn rườm rà trong thủ tục hành chính.

Năm 2016, Việt Nam có thể tận dụng làn sóng hội nhập mới để tiếp thêm sức mạnh và làm sâu sắc hơn những cải cách mạnh mẽ, nhằm chuẩn bị cho nền kinh tế cất cánh một cách bền vững, đảm bảo thành công của Việt Nam với tư cách là nước thu nhập trung bình thịnh vượng trong những năm tới.

Chuyên đề