Chậm bán vốn tại 10 DN lớn, vì sao?

(BĐT) - Đã gần 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1787/TTg-ĐMDN nhưng tiến trình thoái toàn bộ vốn tại 10 doanh nghiệp lớn của SCIC dường như vẫn rất chậm chạp. Đáng lưu ý, đây đều là các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và được nhiều nhà đầu tư săn đón. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Với tình hình này, mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020 thoái vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước để thu về 250 nghìn tỷ đồng liệu có khả thi? 

Thoái vốn chậm chạp

Tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN ngày 8/10/2015, Thủ tướng đã chỉ đạo SCIC tiến hành thoái toàn bộ vốn nắm giữ tại 10 doanh nghiệp lớn mà đơn vị này nắm giữ tỷ lệ chi phối. Tuy nhiên, đã gần hết quý II/2017, SCIC mới chào bán cạnh tranh hơn 130 triệu cổ phần nắm giữ tại Vinamilk (tương ứng với 9% vốn điều lệ). Kết quả SCIC chỉ bán được 78,4 triệu cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk xuống còn 39,33%. Còn tại 9 doanh nghiệp còn lại thì vẫn chưa thấy “động tĩnh”. 

Theo kế hoạch kinh doanh năm 2017, SCIC đã đặt trọng tâm đẩy mạnh công tác tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước từ các bộ và UBND các tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2225/TTg-ĐMDN ngày 12/12/2016. Đồng thời tiếp tục triển khai tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn. Như vậy, kế hoạch thoái toàn bộ vốn của SCIC tại 10 doanh nghiệp lớn này vẫn sẽ được tiếp tục nhưng không nêu cụ thể thời điểm, phương án bán vốn. 

Khó thoái vốn

Câu chuyện SCIC thất bại trong việc bán đấu giá 130 triệu cổ phần VNM ngày 12/12/2016 thoạt nghe sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên bởi Vinamilk là một trong những doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tốt nhất Việt Nam và rất được săn đón trên thị trường. Nguyên nhân thất bại đã được nhiều chuyên gia chỉ ra như cách bán chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược, cơ chế giá không hấp dẫn, hay thời điểm tiến hành chào bán không phù hợp. Nhiều nhà đầu tư cho rằng thất bại của SCIC trong đợt thoái vốn tại Vinamilk là bài học trong những đợt thoái vốn nhà nước tiếp theo tại các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Theo một chuyên gia chứng khoán, việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn vào thời điểm này cũng có những thuận lợi nhất định. Thuận lợi đầu tiên, đây đều là những doanh nghiệp lớn, làm ăn kinh doanh có lãi và được nhiều tổ chức quan tâm. Ngoài ra, thị trường đang trong giai đoạn tăng trưởng, chỉ số Vn-index tăng trưởng và đã đạt đỉnh liên tiếp. Kỳ vọng về việc thị trường chứng khoán được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ giúp thu hút thêm vốn ngoại. Sự ủng hộ của Chính phủ cũng là một thuận lợi để việc thoái vốn diễn ra thành công.

Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, vị chuyên gia này cho biết, quá trình thoái vốn hiện nay gặp nhiều khó khăn do lộ trình, tỷ lệ thoái và đối tượng chào bán không rõ ràng. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn cũng không tốt. Một đơn vị tư vấn có kinh nghiệm sẽ giúp giảm bớt những rủi ro, thiếu sót trong quá trình thoái vốn như giá khởi điểm, tỷ lệ thoái vốn hợp lý... Ngoài ra còn do ý chí chủ quan của từng doanh nghiệp như không muốn thoái hoặc chần chừ như trường hợp của Sabeco…

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHBS), việc thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp cần cân đong đo đếm lợi ích kinh tế giữa việc giữ lại hoặc thoái ra. Cần lưu ý rằng, việc đẩy nhanh thoái vốn khỏi các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng là vì mục đích hiệu quả kinh tế, hay còn được gọi là cắt lỗ.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả có thể mang lại lợi ích kinh tế ít hơn là việc giữ lại trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn nó lại có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bị thoái vốn do tiếp cận được với các nguồn lực bên ngoài năng động hơn.

Chuyên đề