Cách tính thuế xăng dầu vẫn bị chê

Để tránh bất cập trong cách tính giá xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất giảm mức thuế nhập khẩu xăng về 10% và 0% đối với dầu theo các cam kết quốc tế, đồng thời điều chỉnh một số sắc thuế nội địa để bù đắp thiếu hụt.
Cách tính thuế xăng dầu vẫn bị chê là bất hợp lý.
Cách tính thuế xăng dầu vẫn bị chê là bất hợp lý.

Những tranh cãi về việc áp dụng thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền giữa các bộ, ngành vẫn chưa tới hồi kết, khi mới đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính nêu những bất cập của việc áp thuế này.

Trong văn bản gửi tới đích danh Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng do Chủ tịch Phan Thế Ruệ ký, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (Vinpa) một lần nữa nêu những điểm bất hợp lý của việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền. Hiệp hội này đề xuất nên giảm mức thuế nhập khẩu đối với xăng về 10% theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, đối với các mặt hàng dầu là 0% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) và điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu.

Áp dụng cơ chế giá, thuế như vậy để tính giá cơ sở cho xăng dầu theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa, sẽ “không làm thay đổi giá cơ sở, vẫn đảm bảo thu ngân sách và người tiêu dùng không bị hại, các doanh nghiệp cũng công bằng hơn”.

Tuy nhiên, trong văn bản gửi tới Chính phủ mới đây Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm, rằng việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu xăng, dầu sẽ không giải quyết được gốc vấn đề và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của Việt Nam, cũng như các bên đã ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam.

Bộ này cũng nêu quan điểm, việc đồng nhất ngay mức thuế MFN (Quy chế tối huệ quốc) với FTA là không hợp lý, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến cam kết của Chính phủ với các nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn. Theo cam kết, thuế nhập khẩu MFN là 7%, nếu giảm xuống dưới mức này thì Chính phủ phải bù, đồng thời gây bất lợi cho việc đàm phán của Việt Nam trong Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc và ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

“Nếu thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở được tính theo mức thuế ưu đãi đặc biệt thấp nhất trong các biểu thuế thì người tiêu dùng được hưởng lợi, nhưng ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu do không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp.

Đặc biệt, trong trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để không bị lỗ, chỉ nhập khẩu xăng dầu từ nguồn áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp nhất mà nguồn cung không đáp ứng đủ (do năng lực sản xuất, quy trình sản xuất, do quan hệ  bạn hàng…) và không nhập khẩu từ nguồn khác có thuế suất cao hơn như MFN (do lỗ vì thuế nhập khẩu cao hơn thuế tính giá cơ sở) thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ Tài chính phân tích.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính cũng không quên một lần nữa khẳng định lại quan điểm đã nêu nhiều lần, "trong giai đoạn này thuế nhập khẩu xăng dầu trong cơ cấu tính giá cơ sở theo bình quân gia quyền là hợp lý nhất; đảm bảo hài hoà lợi ích Nhà nước - người tiêu dùng - doanh nghiệp và an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, theo phân tích mà Vinpa đưa ra thì cách áp thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền mà Bộ Tài chính áp dụng hiện nay vẫn chưa hợp lý, không đúng với quy định tại Nghị định 83 về điều hành quản lý thị trường xăng dầu và Thông tư liên tịch 39 của Bộ Tài chính hướng dẫn cách tính giá cơ sở đối với mặt hàng này.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Vinpa nêu, khi Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền 18,35% đối với xăng và 2,32% đối với dầu diesel thì mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao. Theo đó, giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng. “Bất cập này không được xử lý triệt để gây bức xúc trong dư luận”, ông Ruệ bày tỏ quan điểm.

Cách áp thuế nhập khẩu bình quân gia quyền cũng không phản ánh đầy đủ diễn biến giữa giá thế giới và trong nước. Hiệp hội này lấy dẫn chứng, trong kỳ điều hành đầu tiên của quý II/2016 áp dụng mức thuế bình quân gia quyền, giá dầu diesel trong nước đã diễn biến ngược lại với giá thế giới, trong khi giá diesel thế giới giảm 0,4% thì diesel trong nước phải tăng sử dụng Quỹ bình ổn từ 983 đồng lên 1.017 đồng một lít mới giữ nguyên được giá bán lẻ.

“Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 14-15 triệu tấn xăng dầu, trong đó Nhà máy lọc hoá dầu Bình Sơn cung cấp khoảng 30%, còn lại nhập khẩu tới 70%. Nếu duy trì thuế nhập khẩu bình quân gia quyền, các nhà nhập khẩu Việt Nam sẽ tập trung vào nguồn có ưu đãi thuế nhập khẩu thấp nhất, như FTA Việt Nam - Hàn Quốc, ATIGA”, Chủ tịch Vinpa nhận định.

Khoảng 2-3 năm nữa Việt Nam sẽ phải tiến tới mở cửa thị trường xăng dầu, và từ năm 2017 khó tránh khỏi việc phải tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần - 4.000 đồng một lít. “Đưa thuế về 0% và mở cửa thị trường xăng dầu càng sớm càng tốt. Những yếu tố như lợi nhuận định mức trong cơ cấu tính giá cơ sở... cũng cần loại bỏ để tránh bức xúc của người dân rằng kiểu gì doanh nghiệp xăng dầu cũng có lãi”, ông Phan Thế Ruệ nhấn mạnh.

Cũng thừa nhận việc tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu căn cứ vào giá xăng dầu nhập khẩu không còn phù hợp, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương (cơ quan xây dựng Nghị định 83) chủ trì, chủ động nghiên cứu kinh nghiệm về kinh doanh xăng, dầu của các nước trên thế giới. Đồng thời tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 83 thời gian qua và thực tế sản xuất, cung ứng xăng, dầu trong nước. Từ đó, Bộ Công Thương đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 83 cho phù hợp.

Chuyên đề