“Bơm vốn” đúng để doanh nghiệp có sức bật

(BĐT) - Tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu đang đóng “vai chính”, quyết định sự tồn tại và tạo sức bật của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu

Với sự phát triển của ngoại thương và nhu cầu tín dụng của các DN như hiện nay, giới chuyên gia nhận định, các ngân hàng trong nước phải hoàn thiện và phát triển những sản phẩm tín dụng cũng như thanh toán quốc tế để đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất nhập khẩu (XNK).

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hương, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Khách hàng DN của Eximbank cho biết, ngân hàng này sẽ tài trợ các DN XNK thuộc các ngành có thế mạnh của Việt Nam khi tham gia TPP, với tổng mức tài trợ khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, phía ngân hàng sẽ hỗ trợ các DN XNK thông qua các chính sách ưu đãi về phí và tỷ giá.

Eximbank cũng xúc tiến làm việc với các ngân hàng đại lý tại các nước thành viên TPP để có những chương trình hợp tác, hỗ trợ các DN XNK đẩy mạnh phát triển kinh doanh qua các nước thành viên TPP.

Riêng với ngành dệt may, nhiều DN nội địa vẫn lo ngại về nguồn vốn, yếu tố quan trọng hỗ trợ DN trụ vững và cạnh tranh trong hội nhập. Về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Anh, Phó phòng phụ trách Phòng Phát triển sản phẩm và Marketing - Khối Khách hàng DN VietinBank cho biết, ngân hàng này đã xếp ngành dệt may vào nhóm ngành hàng trọng điểm cần gia tăng thị phần, được ưu tiên cấp tín dụng. Dư nợ tín dụng cho các DN trong ngành này luôn tăng trưởng qua các thời kỳ, tính đến cuối năm 2015 đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2014.

Cần những sản phẩm tín dụng hiệu quả

Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, các ngân hàng cần hỗ trợ thông tin để DN XNK có biện pháp phòng ngừa rủi ro và được tư vấn xử lý khi phát sinh tranh chấp trong nước và quốc tế, xử lý các giao dịch phức tạp và hỗ trợ thông tin tại các thị trường mới, thị trường nhạy cảm.
Để hỗ trợ các DN XNK nắm bắt cơ hội từ các FTA, giới chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần có những sản phẩm tín dụng hiệu quả. Chẳng hạn như phát triển các sản phẩm tín dụng đặc thù có ưu đãi. Nên có những sản phẩm cho vay VND tham chiếu lãi suất USD, cho vay DN vệ tinh nhằm thúc đẩy phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa cung cấp cho DN chính, hỗ trợ nguồn vốn quốc tế cho các DN nhỏ và vừa…

Ở TP.HCM, nhằm hỗ trợ các DN một cách tối đa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các ngân hàng thương mại đưa ra ba giải pháp: Cho vay tín chấp; cho vay thông qua hoạt động bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng của các DN nhỏ và vừa; cho vay thế chấp thông qua dòng tiền bán hàng của DN. Trong đó, hình thức cho vay thế chấp thông qua dòng tiền bán hàng của các DN không có tài sản bảo đảm được áp dụng rộng rãi nhất và tỷ lệ này tăng mạnh qua các năm, từ khoảng 6% năm 2012 đến gần 32% như hiện nay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong năm 2016, sẽ dành thêm 250.000 tỷ đồng hỗ trợ các đơn vị kinh doanh thuộc chương trình kết nối ngân hàng với DN trên địa bàn TP.HCM. Trong đó, ưu tiên các DN xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao…

Bên cạnh hỗ trợ tín dụng, giới chuyên gia cũng đề nghị, các ngân hàng cần hỗ trợ thông tin để DN XNK có biện pháp phòng ngừa rủi ro và được tư vấn xử lý khi phát sinh tranh chấp trong nước và quốc tế, xử lý các giao dịch phức tạp và hỗ trợ thông tin tại các thị trường mới, thị trường nhạy cảm.

Chuyên đề