Bảo hiểm Viễn Đông vẫn trong lộ trình tái cấu trúc

(BĐT) - Tại Hội nghị thường niên thị trường bảo hiểm năm 2016 vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính cho biết, đến nay đã hoàn thành cơ bản công tác tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh tra
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh tra

Kết quả là 45/46 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu và biên khả năng thanh toán theo quy định (năm 2014 chỉ có 43/46 DN). Các tập đoàn nhà nước đã hoàn thành việc thoái vốn khỏi các DNBH mà vẫn bảo đảm DNBH hoạt động ổn định.

Trường hợp DNBH duy nhất không đáp ứng yêu cầu về biên khả năng thanh toán là Công ty CP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS). Theo Bộ Tài chính, qua công tác quản lý, giám sát, ngay sau khi phát hiện biên khả năng thanh toán của VASS thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu (năm 2011), Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty lập phương án khôi phục khả năng thanh toán, củng cố tổ chức và hoạt động, tăng vốn điều lệ.

Đến nay, VASS đã tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng, công tác tổ chức bộ máy được chấn chỉnh, mạng lưới hoạt động được kiểm soát chặt chẽ, phạm vi khai thác sản phẩm bảo hiểm thu hẹp chỉ tập trung vào 2 nghiệp vụ chính có mức độ rủi ro thấp là bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2015 của Công ty tăng 2,8 lần so với năm 2014, đạt 1.240 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục làm việc trực tiếp tại VASS để hướng dẫn Công ty xây dựng phương án tái cấu trúc tổng thể, có lộ trình chi tiết, định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Tài chính kết quả thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả giám sát nhằm thực hiện tái cấu trúc, năm qua Bộ Tài chính đã tiến hành 6 cuộc thanh tra và 13 cuộc kiểm tra các DNBH và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị, xử lý các vấn đề sau thanh tra nhằm giữ vững sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm. Bộ Tài chính đã tiếp nhận và giải quyết 38 đơn thư khiếu nại, tố cáo và 30 đơn thư đề nghị giải quyết vướng mắc. Đơn thư chủ yếu là các tranh chấp dân sự liên quan đến chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm và giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các DNBH nhanh chóng giải quyết các đơn thư để bảo đảm quyền lợi của khách hàng và đại lý bảo hiểm.

Tính đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 47 DNBH (không kể doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tái bảo hiểm). Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có 29 doanh nghiệp và 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có 17 doanh nghiệp.

Chuyên đề