Băn khoăn giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược

(BĐT) - Kiến nghị cách thức, giá bán cổ phần (CP) tại các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng là một trong nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư tại Diễn đàn DN Việt Nam giữa kỳ năm 2017.
Cách xác định giá bán cổ phần là vấn đề đang gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá tại các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi
Cách xác định giá bán cổ phần là vấn đề đang gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá tại các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Nhã Chi

Theo Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng, quá trình cổ phần hóa chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu giá bán CP được thỏa thuận dựa trên giá trị thị trường của các DNNN.

Bất cập giá bán

Theo Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2016 - 2020, Nhà nước có kế hoạch giảm tỷ lệ nắm giữ CP tại nhiều DNNN, trong đó có các DN khai thác cảng hàng không, khai thác khoáng sản và thăm dò khai thác dầu khí (sở hữu nhà nước trên 65%). Các DNNN này bao gồm Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Các DN trong lĩnh vực hóa chất, hàng không, DNNN với thị phần từ 30% trở lên về sản phẩm dầu mỏ, viễn thông (có hạ tầng mạng) và bán lẻ điện (sở hữu nhà nước từ 50% - 65%). Các DNNN này bao gồm: Mobifone, VNPT, Vinachem và các công ty phân phối điện của EVN. Các DN tham gia lĩnh vực cấp thoát nước, sản xuất, bất động sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, sản xuất điện, viễn thông và xây dựng (sở hữu nhà nước có thể giảm xuống dưới 50% hoặc có thể bán toàn bộ). Các DNNN này bao gồm Tổng công ty Sông Đà, VinaPaper, VTC, VTVCab, PV Oil, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn, PV Power, Genco 1, 2, 3.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã thực hiện cổ phần hóa các DNNN quan trọng trong ngành hàng không, bao gồm Vietnam Airlines và ACV.

Theo Nhóm công tác, có một vấn đề hiện đang gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá và làm hạn chế đầu tư nước ngoài dài hạn vào Việt Nam, đó là giá bán CP. Giá bán CP thường không phải là một nội dung mang tính pháp lý, tuy nhiên vì ở đây do bên bán là Nhà nước nên giá bán CP phải tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật.

Hiện nay, quan điểm của Chính phủ là giá bán CP phải là giá thị trường. Câu hỏi đặt ra là liệu giá niêm yết hay giá giao dịch trên UpCom có thực sự là giá thị trường đối với một nhà đầu tư dài hạn mua một lượng CP lớn, chứ không chỉ một vài cổ phiếu như giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK)? Trong trường hợp một lượng nhỏ CP của DN cổ phần hóa đã được đăng ký giao dịch trên TTCK, việc khẳng định rằng giá thị trường là giá UpCom không chỉ không thống nhất với các quy định của luật pháp, mà còn không hợp lý về mặt thương mại và do đó khiến cho các nhà đầu tư không muốn thực hiện đầu tư.

Trong các giao dịch trên TTCK, nhà đầu tư thường là các tổ chức tài chính và những người đầu cơ. Những nhà đầu tư này sẽ không thể tạo ra giá trị hoặc cung cấp những lợi ích lâu dài cho DN giống như các cổ đông chiến lược. Những vấn đề về áp dụng và thực thi pháp luật này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình cổ phần hoá, dẫn đến các cuộc đàm phán bị kéo dài với kết quả không thỏa đáng.

Sự bất hợp lý về mặt thương mại, theo Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng là, số lượng CP của các DN cổ phẩn hóa đăng ký giao dịch trên thị TTCK thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vốn CP của công ty. Tính thanh khoản của các CP do đó không cao và giá cả vì thế có thể chịu ảnh hưởng bởi yếu tố liên quan đến các giao dịch chứ không thể hiện đúng giá trị DN. Vì vậy, giá niêm yết không thể đại diện cho giá trị thị trường của số lượng lớn CP chưa được đăng ký giao dịch. Ngoài ra, tính chất của việc đầu tư bởi cổ đông chiến lược khác với việc đầu tư của các nhà đầu tư tài chính trên TTCK. Cổ đông chiến lược thường bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian tối thiểu 5 năm và cổ đông chiến lược phải đưa ra các cam kết hỗ trợ công ty trong vận hành và hoạt động kinh doanh.

Tháo gỡ

Nhóm công tác Cơ sở hạ tầng tin rằng quá trình cổ phần hóa chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu giá bán CP được thỏa thuận dựa trên giá trị thị trường của các DNNN. Theo đó, giá bán CP của DNNN cho cổ đông chiến lược trong bối cảnh cổ phần hoá không nên dựa trên giá giao dịch trên TTCK. Thay vào đó, giá phải được xác định dựa trên giá trị của DN, có tính đến tất cả các quyền và tài sản của DN, sự phát triển trong tương lai và các yếu tố thị trường khác. Trong trường hợp không rõ ràng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể chấp thuận việc miễn áp dụng các điều kiện giao dịch chứng khoán bằng cách cho phép thực hiện giao chuyển nhượng CP theo thỏa thuận ngoài thị trường.

Theo Nghị định 59, các DNNN được phép phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thực hiện đấu thầu hạn chế giữa một số các nhà đầu tư chiến lược trong quá trình IPO, với điều kiện giá bán không được thấp hơn giá sàn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, thủ tục này chưa bao giờ được áp dụng và chấp thuận trong thực tế. Các quy định này của Nghị định 59 cần được làm rõ để tạo điều kiện cho việc bán CP của DNNN được thực hiện hiệu quả, đặc biệt trong các trường hợp mà đấu thầu cạnh tranh là không phù hợp với đặc thù của các DNNN.

Chuyên đề