Áp lực trả nợ công 3 năm nữa sẽ ra sao?

(BĐT) - Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra đánh giá ban đầu về cải cách chi tiêu công sau 3 năm nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến cáo cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lựa chọn chính sách tài khóa hợp lý, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Tinh giản biên chế là một trong những giải pháp để cân bằng thu chi ngân sách. Ảnh: Hồng Sáng
Tinh giản biên chế là một trong những giải pháp để cân bằng thu chi ngân sách. Ảnh: Hồng Sáng

Trên 75% nợ trong nước đáo hạn trong 3 năm tới

Chuyên gia cao cấp của WB, ông Sebastian Eckardt cho rằng, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, mặc dù dịch vụ công được cải thiện, nhưng người dân vẫn mong muốn được nâng cao chất lượng dịch vụ công; dân số già đi đồng nghĩa với việc cả số người lẫn tỷ lệ/dân số cần được bảo đảm nhu cầu xã hội nhiều hơn trong khi tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) chậm lại, vốn ODA giảm dần đi ngược với xu hướng nợ công cả trong và ngoài nước tăng lên.

Ông Sebastian Eckardt cũng chỉ ra một thực tế là bội chi của Việt Nam tăng liên tục trong nhiều năm qua, mọi nhu cầu chi tiêu và đầu tư đều phải đi vay trong và ngoài nước, chưa kể nhiều vấn đề liên quan đến khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Có nhiều chỉ tiêu đo mức độ an toàn của nợ công như nợ công/GDP, nợ chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/kim ngạch xuất khẩu…, nhưng một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất là nghĩa vụ trả nợ/tổng thu NSNN.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết thúc năm tài khóa 2014, nghĩa vụ trả nợ/tổng thu NSNN đã lên đến 25,4%, tức là đã vượt trần cho phép là 25%. “Chỉ tính riêng tiền lãi mà Chính phủ phải trả nợ hàng năm đã chiếm tới 8% tổng nguồn thu. Việt Nam ngày càng giảm từ vay nước ngoài nên giảm được rủi ro về tỷ giá, nhưng lại khiến mặt bằng lãi suất rất cao, thời hạn trả nợ giảm xuống do chủ yếu huy động nguồn vốn ngắn hạn qua phát hành trái phiếu chính phủ. Hậu quả là trên 75% các khoản nợ trong nước sẽ đáo hạn trong vòng 3 năm tới, tạo áp lực rất lớn lên NSNN” - ông Sebastian Eckardt bình luận thêm.

Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước thuộc Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng thừa nhận, hiện quản lý tài chính công vẫn còn khá nhiều bất cập như: mối quan hệ giữa NSNN và các quỹ ngoài ngân sách, doanh nghiệp nhà nước chưa rõ ràng; hệ thống kế toán ngân sách chưa cho thấy bức tranh đầy đủ và đúng đắn về tình hình tài khóa…, đặc biệt là năm nào cũng bội chi, phải vay để trả nợ, để đầu tư nhưng năm nào ngân sách cũng phải chuyển nguồn do chi không hết dự toán.

Sẽ tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ công

Nghị định 16/2015/NĐ-CP từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá dịch vụ công; có lộ trình thực hiện chính sách giá dịch vụ công theo sát giá thị trường, đặc biệt là sẽ tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ công, không phân biệt là công lập hay dân lập.
Bên cạnh thu không đủ chi thì chi tiêu thường xuyên càng ngày càng tăng cũng khiến các chuyên gia nghiên cứu về cải cách chi tiêu công lo ngại. Chi thường xuyên của Việt Nam tăng mạnh trong thời gian vừa qua một phần là do lương cơ bản thường xuyên được điều chỉnh tăng; Chính phủ thực hiện hàng loạt giải pháp an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho người nghèo, gia đình chính sách, hộ cận nghèo, học sinh tiểu học; bộ máy biên chế công chức, đặc biệt là viên chức tăng liên tục.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011 - 2015, NSNN đã bỏ ra 132.000 tỷ đồng để thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Còn giai đoạn 2016 - 2020, số lượng chương trình mục tiêu quốc gia chỉ còn 2 là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, số tiền bỏ ra để thực hiện lên đến 232.000 tỷ đồng. “Dù NSNN vẫn tiếp tục khó khăn, nhưng chi cho an sinh xã hội vẫn được đầu tư mạnh tức là chi thường xuyên hàng năm khó có thể giảm xuống”, ông Giang khẳng định.

Trong bối cảnh cần phải tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, muốn cân bằng thu - chi, theo bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB thì phải hạn chế tuyển dụng bộ máy viên chức, thay vào đó khai thác tối đa đội ngũ viên chức hiện có. “Thời gian đứng lớp bình quân của giáo viên Việt Nam thấp hơn 25% so với các nước ASEAN. Số lần và thời gian thăm khám bệnh nhân của nhân viên y tế Việt Nam cũng thấp đáng kể so với các nước ASEAN. Vì vậy, thay vì tăng biên chế, cần phải sử dụng hết thời gian của lực lượng viên chức để tránh chi tiêu công ngày một phình to do bộ máy quá cồng kềnh, làm việc hiệu quả thấp” - bà Quyên khuyến cáo.

Để giảm bộ máy viên chức, ngay từ năm 2002, Chính phủ đã có chủ trương đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tổ chức và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công, mới đây nhất là Nghị định 16/2015/NĐ-CP. Theo ông Nguyễn Trường Giang, cơ chế tự chủ ngày càng thông thoáng góp phần đáng kể tinh giản bộ máy viên chức và nâng cao chất lượng dịch vụ công, giảm chi NSNN.

“Nghị định 16/2015/NĐ-CP từng bước xóa bỏ bao cấp qua giá dịch vụ công; có lộ trình thực hiện chính sách giá dịch vụ công theo sát giá thị trường, đặc biệt là sẽ tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ công, không phân biệt là công lập hay dân lập. Với những chính sách mới này, chất lượng dịch vụ công được cải thiện, bộ máy viên chức giảm xuống, gánh nặng chi tiêu thường xuyên cũng giảm theo” - ông Giang nhấn mạnh.

Chuyên đề